Tăng cường công tác thông tin truyền thông để phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện có hiệu quả

Ngày 29/10, tại Hà Nội, Cục Báo chí, Bộ TT&TT; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Những vấn đề mới đặt ra trong truyền thông phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Ủy viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn; ông Lê Việt Đông, Phó Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT; Cổng TTĐT Chính phủ; Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn; Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đại diện các Bộ: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế và sinh viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn…

Hội thảo là hoạt động nằm trong Chương trình công tác năm 2018 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2018 và Đề án “Truyền thông về phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng” thuộc Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020.
 
20182910-ta10.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội thảo
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Hiện nay, tình hình lạm dụng chất gây nghiện có xu hướng gia tăng và đối tượng ngày càng trẻ hóa, đặc biệt luôn xuất hiện những dạng chất gây nghiện mới, phức tạp chưa có chế tài xử lý. Người lạm dụng chất gây nghiện không chỉ bị ảnh hưởng xấu về sức khỏe, tâm lý, kinh tế, hạnh phúc gia đình mà còn tái nghiện nhiều lần dẫn đến mắc các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan sang người khác.
 
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại một số địa phương, tình hình buôn bán chất gây nghiện ngày càng phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đối tượng lợi dụng các phương tiện giao thông hoặc hệ thống vận chuyển bưu phẩm của bưu điện để vận chuyển; đồng thời, sử dụng mạng internet, mạng xã hội như (zalo, facebook...) để liên lạc, trao đổi mua bán nên khó phát hiện.
 
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhận định: Công tác phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện từ trước đến nay được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó phải kể đến công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người nghiện, bên cạnh đó cũng tuyên truyền về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng chất gây nghiện; biểu dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, ngừa việc lạm dụng chất gây nghiện, giúp người nghiện trở về với gia đình, cộng đồng.
 
Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: trong thời đại công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, để công tác phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện có hiệu quả cần đổi mới phương thức tiếp cận cũng như cách làm. Cụ thể, cần thông tin, tuyên truyền một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện. Đồng thời, xã hội hóa các hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa việc lạm dụng chất gây nghiện; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị liên quan nhằm tạo công ăn việc làm cho giới trẻ, đặc biệt là những người nghiện trở về và ứng dụng công nghệ vào công tác tuyên truyền, đưa ra những biện pháp để ngăn chặn những thông tin lôi kéo, mời chào trên mạng xã hội.
 
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các cơ quan báo chí tích cực hơn nữa trong công tác truyền thông phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của cả nước.
 
20182910-ta11.jpg
 
Toàn cảnh Hội thảo
 
Tại Hội thảo, GS. TS. Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh: Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ những kinh nghiệm và phương pháp giáo dục, truyền thông phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện dựa trên bằng chứng khoa học nhằm từng bước áp dụng, đổi mới phương thức truyền thông trong phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên. Qua đó nâng cao nhận thức về vai trò của công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Lê Việt Đông cho biết: trong những năm qua công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy luôn được Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã tích cực vào cuộc và đã đạt được nhiều kết quả.
 
“Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong giai đoạn từ 2014-2017, số tin, bài, ảnh, phóng sự về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đăng tải trên các ấn phẩm tăng trung bình 10-15% so với trước. Công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp trong toàn xã hội, nhất là ở những khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, vì vậy nhận thức về tác hại của ma túy trong nhân dân đã có những chuyển biến tích cực; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan báo chí được nâng cao” – ông Lê Việt Đông cho biết.
 
Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Lê Việt Đông bày tỏ mong muốn: “Thông qua Hội thảo, chúng ta có thể làm rõ hơn thực trạng công tác truyền thông, những thuận lợi và thách thức trong giai đoạn hiện nay, đồng thời đưa ra những định hướng tuyên truyền, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác truyền thông phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện trong thời gian tới.”