Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam triển khai công tác năm 2017

Sáng ngày 14/2/2017, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam (Đề án số hóa) đã tổ chức phiên họp lần thứ 13 để tổng kết, đánh giá công tác triển khai Đề án số hóa năm 2016 và triển khai các công tác trọng tâm của Đề án số hóa năm 2017. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì phiên họp. Tham dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và các thành viên Ban chỉ đạo.

2017214-u1.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo Đề án số hóa, năm 2017, Ban chỉ đạo Đề án số hóa sẽ tiếp tục triển khai các công tác liên quan tới Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020 và tập trung vào một số vấn đề liên quan tới việc sửa đổi nội dung Quyết định 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với tình hình triển khai trên thực tế.
 
Năm 2016, Bộ TT&TT đã chỉ đạo và ban hành nhiều quyết định về phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất giai đoạn 2016-2018; Quyết định số 1321/QĐ-BTTTT ngày 28/7/2016 phê duyệt Kế hoạch thông tin, tuyên truyền số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2279/QĐ-BTTTT ngày 20/12/2016 về định mức tạm thời về truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình trên hạ tầng truyền hình số mặt đất để các cơ quan, tổ chức có liên quan tham khảo, sử dụng vào việc xây dựng giá dịch vụ, dự toán kinh phí thuê dịch vụ truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình trên hạ tầng truyền hình số mặt đất.
 
Việc phủ sóng truyền hình số mặt đất tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh lân cận đã được các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất thực hiện theo đúng lộ trình, vùng phủ sóng truyền hình số đã tốt hơn vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất. Tại phần lớn các địa bàn đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, số lượng kênh truyền hình người dân có thể thu được từ 26 kênh đến 70 kênh (trong đó có 05 đến 07 kênh truyền hình độ nét cao HDTV), tăng hơn nhiều so với số lượng từ 04 đến 06 kênh khi thu xem bằng truyền hình tương tự mặt đất. Chất lượng, số lượng các kênh chương trình truyền hình đã được nâng cao rõ rệt, được nhân dân phấn khởi đón nhận. Đây chính là yếu tố lôi cuốn và thúc đẩy nhân dân chủ động chuyển đổi sang thu xem truyền hình số mặt đất.
 
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2, Ban chỉ đạo Đề án số hóa đã quyết định các tỉnh thuộc Nhóm II đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất (STB) cho một phần địa bàn theo chuẩn cũ hoặc đã phủ sóng một phần địa bàn gồm Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (các trạm phát sóng chính) trước ngày 01/7/2017. Các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và các địa bàn được phủ sóng bởi các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất sau theo kế hoạch do Ban Chỉ đạo xác định.
 
Đối với việc hỗ trợ đầu thu cho người dân, năm 2016, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích thực hiện hỗ trợ cho 516.030 hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ trong vùng ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là các hộ nghèo, cận nghèo có máy thu hình (TV) và chưa sử dụng truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình qua internet.
 
Trong công tác thông tin, tuyên truyền, năm 2016, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã sản xuất, phát sóng 08 chương trình truyền hình trên kênh VTC1, và phát các chương trình phát thanh trên hệ VOV1; Sản xuất 24 chương trình phát thanh (thời gian 15 phút 1 chương trình). Gửi tới 26 địa phương thuộc giai đoạn 2 của Đề án số hóa (26 Sở TT&TT, 274 huyện, 4731 xã). Tại các địa phương, công tác thông tin, tuyên truyền cũng đã được đẩy mạnh, đặc biệt là trên các kênh truyền hình tương tự mặt đất và hệ thống truyền thông cơ sở.
 
Ngoài ra, để đánh giá tình hình trước khi quyết định ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, Bộ TT&TT đã chủ trì triển khai dự án Điều tra phương thức thu xem truyền hình tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và địa bàn bị ảnh hưởng của các tỉnh lân cận; đồng thời tiến hành tổng hợp số liệu máy thu hình và đầu thu truyền hình số mặt đất bán ra thị trường. Kết quả cho thấy, đến ngày 15/8/2016, tỷ lệ hộ gia đình thu xem truyền hình số mặt đất và các phương thức truyền hình khác tại 04 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã đủ cao, đạt điều kiện để ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo Quyết định 2451/QĐ-TTg.
 
Như vậy, trong năm 2016, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trong năm 2016 gồm: 04 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ thuộc Giai đoạn I đã thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 15/8/2016; 08 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang thuộc Giai đoạn II đã thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 30/12/2016 (trừ kênh 3 VHF của Đài Truyền hình Việt Nam tại Tam Đảo – Vĩnh Phúc do một phần địa bàn thuộc 2 tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ hiện đang thu xem chương trình VTV1 phát trên kênh 3 VHF).
 
Tuy nhiên, trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Ban chỉ đạo số hóa truyền hình còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai Đề án số hóa trên thực tế gặp một số khó khăn nhất định nên đối với 04 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ còn bị chậm 08 tháng  so với lộ trình đã được phê duyệt. Số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016 – 2020 lớn hơn nhiều so với theo tiêu chuẩn cũ. Do đó, Bộ TT&TT và các địa phương phải thực hiện rà soát danh sách các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh và hỗ trợ bổ sung đầu thu truyền hình số mặt đất tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa bàn bị ảnh hưởng của các tỉnh lân cận. Kinh phí 1.710 tỷ đồng đã được phê duyệt tại Quyết định 2451/QĐ-TTg có thể không đáp ứng đủ nhu cầu hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại các địa phương trong thời gian tới. Một số tỉnh thuộc Giai đoạn II có địa hình rất phức tạp. Tại địa bàn này hiện có số lượng lớn các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất đang hoạt động nên việc số hóa truyền hình mặt đất sẽ khó khăn hơn nhiều và kém hiệu quả. Do đó, cần xem xét kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất với truyền hình qua vệ tinh tại các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa.
 
Năm 2017, Ban chỉ đạo tập trung triển khai các nhiệm vụ: Triển khai phủ sóng DVB-T2 tại đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, đảm bảo tiến độ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (các trạm phát sóng chính) tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang trước ngày 01/7/2017, các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng cần sớm hoàn thành phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Các đài truyền hình cần đảm bảo vùng phủ sóng DVB-T2 tại các tỉnh theo quy định và từng bước chuyển đổi tần số về đúng quy hoạch; tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; rà soát hiệu quả trạm phát lại truyền hình mặt đất...
 
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu các đơn vị: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Báo chí, Vụ Thông tin cơ sở..., các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình địa phương cần chú trọng và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho các đối tượng đang thu xem truyền hình tương tự mặt đất bằng các phương tiện có hiệu quả cao như phát thanh truyền hình tương tự, truyền thanh, tập huấn về số hóa truyền hình cho các tỉnh thuộc nhóm II được tắt sóng vào ngày 01/7/2017 và các tỉnh nhóm III tắt sóng vào ngày 31/12/2017.
 
Để đảm bảo thời gian ngừng phát sóng cho các tỉnh vào ngày 01/7/2017 và 31/12/2017, Bộ trưởng yêu cầu Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và các doanh nghiệp truyền hình là VTC, AVG, RTB, SDTV cần hoàn thành việc phát sóng DVB-T2 tại Ninh Bình, Bình Thuận và sớm triển khai việc phát sóng DVB-T2 tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Khánh Hòa, Ninh Thuận... để đảm bảo đúng tiến độ phát sóng truyền hình số mặt đất tại các địa phương này. Đài truyền hình Việt Nam cần thực hiện việc chuyển đổi tần số các máy phát sóng số DVB-T2 về đúng tần số được quy hoạch, trước mắt hoàn thành việc chuyển đổi tần số tại Bắc Bộ và Nam Bộ trong năm 2017, kể cả việc triển khai mạng đơn tần tại 2 khu vực này, ưu tiên chuyển đổi tần số cho máy phát kênh 43 tại Hải Phòng và máy phát kênh 45 tại Cần Thơ trước ngày 01/7/2017 để AVG chuyển đổi về đúng quy hoạch.
 
Đối với việc hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo và cận nghèo, Bộ trưởng chỉ đạo Ban quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị, trên cơ sở vùng ảnh hưởng theo tính toán do Cục Tần số vô tuyến điện cung cấp, phối hợp với các địa phương xác định cụ thể vùng hỗ trợ thực tế và danh sách hỗ trợ để sớm triển khai các công việc tiếp theo, nhằm đảm bảo hoàn thành hỗ trợ đầu thu truyền hình số trước ngày 01/7/2017.
 
Viện Chiến lược TT&TT chủ trì, phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Viễn thông tiếp tục nghiên cứu làm rõ các điểm bất cập trong quá trình triển khai số hóa, đề xuất sửa đổi Quyết định 2451/QĐ-TTg để phù hợp và hiệu quả hơn với điều kiện thực tiễn tại các tỉnh còn lại - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh./.