Điều 3.3.LQ.25. Nghĩa vụ của người ký chữ ký điện tử

Điều 3.3.LQ.25. Nghĩa vụ của người ký chữ ký điện tử
(Điều 25 Luật Giao dịch điện tử, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2006)
1. Người ký chữ ký điện tử hoặc người đại diện hợp pháp của người đó là người kiểm soát hệ chương trình ký điện tử và sử dụng thiết bị đó để xác nhận ý chí của mình đối với thông điệp dữ liệu được ký.
2. Người ký chữ ký điện tử có các nghĩa vụ sau đây:
a) Có các biện pháp để tránh việc sử dụng không hợp pháp dữ liệu tạo chữ ký điện tử của mình;
b) Khi phát hiện chữ ký điện tử có thể không còn thuộc sự kiểm soát của mình, phải kịp thời sử dụng các phương tiện thích hợp để thông báo cho các bên chấp nhận chữ ký điện tử và cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử trong trường hợp chữ ký điện tử đó có chứng thực;
c) Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm tính chính xác và toàn vẹn của mọi thông tin trong chứng thư điện tử trong trường hợp chứng thư điện tử được dùng để chứng thực chữ ký điện tử.
3. Người ký chữ ký điện tử phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do không tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này.
 
Điều 3.3.NĐ.1.41. Quyền và nghĩa vụ thuê bao trong việc cung cấp thông tin
(Điều 41 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2007)
Thuê bao của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có các quyền và nghĩa vụ sau:
1. Nghĩa vụ cung cấp thông tin về nhân thân của mình một cách trung thực, chính xác và xuất trình các giấy tờ phục vụ cho việc cấp chứng thư số cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và thiệt hại xảy ra nếu vi phạm quy định này.
2. Có quyền yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cung cấp bằng văn bản những thông tin quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định này.
3. Cung cấp khóa bí mật và những thông tin cần thiết cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan an ninh để phục vụ việc đảm bảo an ninh quốc gia hoặc điều tra tội phạm theo quy định của pháp luật.
 
Điều 3.3.NĐ.1.42. Tạo, sử dụng và quản lý khoá
(Điều 42 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2007)
Thuê bao của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có các quyền và nghĩa vụ sau:
1. Trường hợp tự tạo cặp khóa cho mình, thuê bao phải đảm bảo thiết bị tạo cặp khóa sử dụng đúng quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng. Quy định này không áp dụng cho trường hợp thuê bao thuê thiết bị tạo cặp khóa của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
2. Lưu trữ và sử dụng khóa bí mật của mình một cách an toàn, bí mật trong suốt thời gian chứng thư số của mình có hiệu lực và bị tạm dừng.
3. Thông báo ngay cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của mình nếu phát hiện thấy dấu hiệu khóa bí mật của mình đã bị lộ, bị đánh cắp hoặc sử dụng trái phép để có các biện pháp xử lý.
4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi thiệt hại xảy ra nếu vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.
 
Điều 3.3.NĐ.1.43. Nghĩa vụ pháp lý
(Điều 43 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2007)
1. Khi đã đồng ý để tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng công khai chứng thư số của mình theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này hoặc khi đã cung cấp chứng thư số đó cho người khác với mục đích để giao dịch, thuê bao được coi là đã cam kết với người nhận rằng thuê bao là người nắm giữ hợp pháp khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trên chứng thư số đó và những thông tin trên chứng thư số liên quan đến thuê bao là đúng sự thật, đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ xuất phát từ chứng thư số đó.
2. Có quyền yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của mình tạm dừng, thu hồi lại chứng thư số đã cấp và tự chịu trách nhiệm về yêu cầu đó.
 
Điều 3.3.NĐ.7.4. Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan điện tử
(Điều 4 Nghị định số 87/2012/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013)
Ngoài các quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan quy định tại Luật hải quan; quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế quy định tại các Luật về thuế; quyền, nghĩa vụ của đối tượng lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử quy định tại Luật giao dịch điện tử và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện, người khai hải quan điện tử còn có các quyền và nghĩa vụ sau:
1. Quyền của người khai hải quan điện tử
a) Được ưu tiên thực hiện trước so với trường hợp đăng ký hồ sơ hải quan bằng giấy khi cơ quan Hải quan xác định phải kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa;
b) Được thực hiện khai hải quan điện tử 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần và nhận thông tin phản hồi của cơ quan Hải quan trực tiếp qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; trường hợp khai hải quan trong thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật, nhưng thuộc diện phải nộp, xuất trình chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan để cơ quan Hải quan kiểm tra làm cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo thì được phản hồi kết quả chậm nhất 04 giờ kể từ thời điểm bắt đầu ngày làm việc kế tiếp;
c) Được sử dụng chứng từ in ra từ Hệ thống khai hải quan điện tử (có đóng dấu và chữ ký của người khai hải quan điện tử) đối với lô hàng đã được cơ quan Hải quan chấp nhận thông quan trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để làm chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường;
d) Được lựa chọn hình thức nộp lệ phí hải quan và các loại phí do cơ quan Hải quan thu hộ các hiệp hội, tổ chức (nếu có) cho từng tờ khai hải quan hoặc nộp gộp theo tháng;
đ) Được cơ quan Hải quan cung cấp thông tin về quá trình xử lý hồ sơ hải quan điện tử thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
2. Nghĩa vụ của người khai hải quan điện tử
a) Thực hiện việc lưu giữ chứng từ điện tử thuộc hồ sơ hải quan (bao gồm cả bản sao) theo quy định của Luật giao dịch điện tử và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; cung cấp các chứng từ điện tử có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan Hải quan để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền; 
b) Trường hợp pháp luật quy định phải nộp chứng từ, tài liệu dưới dạng giấy cho cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải ký tên, đóng dấu vào các chứng từ, tài liệu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các chứng từ, tài liệu đó; 
c) Khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải sử dụng chữ ký số đã đăng ký với cơ quan Hải quan. Trong giai đoạn chưa có chữ ký số thì được sử dụng tài khoản truy nhập Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Người khai hải quan có trách nhiệm bảo mật tài khoản để sử dụng khi giao dịch với cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và chịu trách nhiệm về các giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính quy định lộ trình áp dụng chữ ký số khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
d) Đáp ứng các điều kiện về công nghệ thông tin và kỹ năng khai hải quan điện tử. Trường hợp chưa đáp ứng được các điều kiện về công nghệ thông tin và kỹ năng khai hải quan điện tử thì thông qua đại lý làm thủ tục hải quan có đủ điều kiện để thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
 
Điều 3.3.TT.9.8. Quyền và nghĩa vụ của thuê bao
(Điều 8 Thông tư số 09/2011/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2011)
1. Được cung cấp các thông tin hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp phát, quản lý và sử dụng chứng thư số.
2. Thông qua tổ chức quản lý thuê bao của mình để đề nghị cấp, gia hạn, tạm dừng, khôi phục, thu hồi chứng thư số hoặc thay đổi cặp khóa.
3. Thuê bao có thể trực tiếp gửi văn bản đề nghị Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số tạm dừng chứng thư số của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đề nghị đó.
4. Sử dụng chứng thư số đúng mục đích đã đăng ký.
5. Bảo quản và sử dụng khóa bí mật, các dữ liệu trong thiết bị lưu giữ khóa bí mật theo chế độ “Mật”.
6. Thông báo kịp thời cho Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số và tổ chức quản lý thuê bao của mình trong trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ chứng thư số, khóa bí mật không còn an toàn.
7. Tuân thủ các quy định khác của pháp luật về quản lý và sử dụng chứng thư số.
 
Điều 3.3.TT.22.12. Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế
(Điều 12 Thông tư số 110/2015/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/09/2015)
1. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn.
2. Được hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
3. Được tra cứu để xem, in toàn bộ chứng từ điện tử người nộp thuế đã gửi đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn.
4. Được công nhận hoàn thành các thủ tục về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và sử dụng chứng từ điện tử trong các giao dịch với cơ quan thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
5. Được sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử do cơ quan thuế cấp để thực hiện các thủ tục hành chính thuế bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp nộp thuế qua các hình thức nộp thuế điện tử khác của ngân hàng.
6. Có trách nhiệm chuẩn bị, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật của mình phục vụ việc giao dịch điện tử với cơ quan thuế được thuận lợi và đúng quy định.
7. Có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin đăng ký giao dịch điện tử một cách kịp thời, chính xác và quản lý, sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử của mình với cơ quan thuế đảm bảo an toàn, bảo mật, đúng mục đích.
8. Có trách nhiệm quản lý chứng thư số và đảm bảo tính chính xác của chữ ký số trên chứng từ điện tử của mình.
9. Có trách nhiệm theo dõi, cập nhật, phản hồi các thông tin liên quan đến giao dịch điện tử với cơ quan thuế và thực hiện theo các hướng dẫn, thông báo của cơ quan thuế đã gửi đến địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế và trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
 
Điều 3.3.TT.22.13. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thuế, công chức thuế
(Điều 13 Thông tư số 110/2015/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/09/2015)
1. Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật Giao dịch điện tử, các văn bản hướng dẫn và các quy định tại Thông tư này.
2. Hướng dẫn, hỗ trợ để người nộp thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, ngân hàng và các tổ chức liên quan thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
3. Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống tiếp nhận và xử lý dữ liệu thuế điện tử đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và liên tục. Thời gian dừng hệ thống để bảo trì không được quá 2% tổng số giờ cung cấp dịch vụ và chỉ thực hiện ngoài giờ làm việc. Trường hợp dừng hệ thống để bảo trì phải thông báo trên Trang thông tin điện tử (www.gdt.gov.vn) và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
4. Cung cấp thông tin về người nộp thuế đăng ký thay đổi, bổ sung, ngừng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, thông tin phối hợp thu ngân sách nhà nước cho các ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử.
5. Xây dựng hệ thống kết nối thông tin, cung cấp thông tin về số tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bằng điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính cho người nộp thuế theo quy định.
6. Cập nhật các thông tin đăng ký giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác.
7. Gửi các thông tin phản hồi cho người nộp thuế theo các thông tin người nộp thuế đã đăng ký thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế.
8. Trường hợp chứng từ điện tử của người nộp thuế đã được lưu trong cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế thì cơ quan thuế, công chức thuế phải thực hiện khai thác, sử dụng dữ liệu trên hệ thống, không được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế bằng giấy.
 
Điều 3.3.TT.22.14. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế
(Điều 14 Thông tư số 110/2015/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/09/2015)
1. Kho bạc Nhà nước
a) Phối hợp với cơ quan thuế, ngân hàng trong việc truyền, nhận, xác nhận thông tin nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử của người nộp thuế.
b) Cung cấp đầy đủ thông tin danh mục tài khoản thu ngân sách của Kho bạc Nhà nước mở tại các ngân hàng theo phương thức điện tử cho cơ quan thuế.
c) Xử lý, đối soát dữ liệu về nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử với các ngân hàng và cơ quan thuế.
2. Ngân hàng
a) Phối hợp với cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước trong việc thực hiện nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế.
b) Phối hợp với cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước thực hiện xử lý, đối soát dữ liệu về nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử.
c) Truyền, nhận thông tin tài khoản của người nộp thuế đăng ký nộp thuế điện tử, thông tin chứng từ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác.
d) Hỗ trợ người nộp thuế trong quá trình thực hiện nộp thuế điện tử.
3. Các cơ quan, đơn vị khác có liên quan
a) Phối hợp với cơ quan thuế trong việc tiếp nhận, giải quyết, quản lý, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
b) Phối hợp với cơ quan thuế trong việc kết nối, trao đổi,truyền, nhận thông tin về chứng từ điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính cho người nộp thuế theo quy định.
c) Sử dụng chứng từ điện tử do cơ quan thuế cung cấp để giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế, không được yêu cầu người nộp thuế nộp chứng từ giấy.