Điều 3.3.LQ.5. Nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử

Điều 3.3.LQ.5. Nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử
(Điều 5 Luật Giao dịch điện tử, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2006)
1. Tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch.
2. Tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ để thực hiện giao dịch điện tử.
3. Không một loại công nghệ nào được xem là duy nhất trong giao dịch điện tử.
4. Bảo đảm sự bình đẳng và an toàn trong giao dịch điện tử.
5. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
6. Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 40 của Luật này.
 
Điều 3.3.NĐ.2.4. Nguyên tắc giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
(Điều 4 Nghị định số 27/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/03/2007)
1. Các bên tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải thực hiện đúng nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật Giao dịch điện tử và các quy định khác của pháp luật về quản lý tài chính có liên quan. Đối với các giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ của nội bộ các cơ quan tài chính và giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính, các bên tham gia phải thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật Giao dịch điện tử.
2. Tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính có nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính thì phải tuân theo các quy định kỹ thuật nghiệp vụ do Bộ Tài chính ban hành.
 
Điều 3.3.NĐ.3.3. Nguyên tắc giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng
(Điều 3 Nghị định số 35/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/04/2007)
1. Việc giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng phải phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nghị định này chỉ quy định về phương thức giao dịch bằng phương tiện điện tử trong hoạt động ngân hàng, nội dung của các hoạt động ngân hàng do các luật khác điều chỉnh.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử hoặc giao dịch theo phương thức truyền thống, trừ trường hợp có quy định khác của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
4. Việc cung cấp dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) dưới hình thức điện tử được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng không được trái với quy định của Luật Giao dịch điện tử, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
Điều 3.3.NĐ.4.7. Nguyên tắc gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đối với tổ chức, cá nhân[1]
(Điều 7 Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/08/2008 của Chính phủ về chống thư rác, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/09/2008, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về chống thư rác, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)
1. Chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận.
2. Phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận.
3. Chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo từ đia chỉ điện tử và hệ thống theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Khi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo thì nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi đồng thời một bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông.
5. Không được phép gửi quá 01 thư điện tử quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.
6. Không được phép gửi quá 01 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.
7. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo.
 
Điều 3.3.NĐ.4.8. Nguyên tắc thu thập, sử dụng địa chỉ điện tử cho mục đích quảng cáo
(Điều 8 Nghị định số 90/2008/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/09/2008)
1. Chỉ được thu thập địa chỉ điện tử cho mục đích quảng cáo khi được sự đồng ý của người sở hữu địa chỉ điện tử đó.
2. Phải nêu rõ mục đích, phạm vi sử dụng khi tiến hành thu thập địa chỉ điện tử.
3. Phải sử dụng địa chỉ thư điện tử theo đúng mục đích, phạm vi đã được người sở hữu địa chỉ đó cho phép.
 
Điều 3.3.NĐ.7.7. Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan điện tử
(Điều 7 Nghị định số 87/2012/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013)
1. Thủ tục hải quan điện tử được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 15 Luật hải quan; Điều 5, Điều 40 Luật giao dịch điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
2. Cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hồ sơ hải quan và các chứng từ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
3. Người khai hải quan đăng ký theo quy định của Bộ Tài chính để được thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
 
Điều 3.3.NĐ.8.26. Các nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử
(Điều 26 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013)
1. Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong giao dịch thương mại điện tử
Các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử có quyền tự do thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật để xác lập quyền và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch. Thỏa thuận này là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch.
2. Nguyên tắc xác định phạm vi hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử
Nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và xúc tiến thương mại trên website thương mại điện tử không nêu cụ thể giới hạn địa lý của những hoạt động này, thì các hoạt động kinh doanh đó được coi là tiến hành trên phạm vi cả nước.
3. Nguyên tắc xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử
a) Người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng và người bán trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng;
b) Khách hàng trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là người tiêu dùng dịch vụ thương mại điện tử và là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người bán trên website này cung cấp;
c) Trường hợp người bán trực tiếp đăng thông tin về hàng hóa, dịch vụ của mình trên website thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng không phải là bên thứ ba cung cấp thông tin theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
4. Nguyên tắc kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thông qua thương mại điện tử
Các chủ thể ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
 
Điều 3.3.QĐ.1.4. Nguyên tắc giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
(Điều 4 Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2015)
1. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và pháp luật có liên quan.
2. Bảo đảm tính liên tục, kịp thời, rõ ràng, chính xác, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo mật và toàn vẹn thông tin.
3. Có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp theo quy định của pháp luật khi tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
 
Điều 3.3.TT.7.3. Nguyên tắc GDĐT trong hoạt động nghiệp vụ KBNN
(Điều 3 Thông tư số 209/2010/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/01/2011)
1. Đối với các cơ quan nhà nước, KBNN khi tham gia GDĐT trong lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ KBNN phải tuân thủ nguyên tắc rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả, phù hợp với Điều 5 của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và đảm bảo các yêu cầu về quy trình nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật trong hoạt động GDĐT do KBNN quy định.
2. Đối với các tổ chức, cá nhân có quan hệ GDĐT với KBNN:
- Tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch;
- Sử dụng công nghệ thông tin phù hợp để thực hiện GDĐT với KBNN; có đủ các điều kiện kỹ thuật để tham gia GDĐT, hoặc thực hiện thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ về GDĐT theo quy định;
- Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giao dịch với KBNN trong trường hợp KBNN đồng thời chấp nhận giao dịch theo phương thức truyền thống và giao dịch bằng phương tiện điện tử.
3. KBNN chủ động thực hiện từng phần hoặc toàn bộ giao dịch bằng phương tiện điện tử trong nội bộ KBNN và giữa KBNN với các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
 
Điều 3.3.TT.16.4. Nguyên tắc giao dịch điện tử trong lĩnh vực chứng khoán
(Điều 4 Thông tư số 87/2013/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2013)
1. Việc thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực chứng khoán phải tuân theo nguyên tắc rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và phù hợp với Điều 5 Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11.
2. Tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Mục I.1 Phần II Thông tư số 78/2008/TT-BTC về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
3. Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Mục I.2 Phần II Thông tư 78/2008/TT-BTC về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
 
 

[1] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về chống thư rác, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.