Đông Nam Á đang trở thành thung lũng Silicon thứ hai của thế giới?

Thứ hai, 23/07/2018 10:57

Nộp thuế bằng blockchain ở Indonesia, nông nghiệp với AI ở Việt Nam, phóng phi thuyền vào vũ trụ tại Singapore, liệu Đông Nam Á có đang trở thành thiên đường cho công nghệ phát triển giống thung lũng Silicon (Mỹ).

Câu chuyện của Charles Guinot bắt đầu từ năm 2015 khi người đàn ông này chợt có ý tưởng sử dụng công nghệ blockchain để giải quyết vấn đề đau đầu khi nộp thuế tại Indonesia sau khi tham dự một hội thảo tại Trung Quốc. Để biến ý tưởng này thành hiện thực, anh chàng kỹ sư robot đến từ Pháp quyết định thay đổi mình thành một nhà phát triển blockchain do ngành này còn hoàn toàn vô danh tại thời điểm đó. Và quá trình tự mày mò học hỏi đã đem lại thành tựu lớn lao, với một trong những startup phát triển nhanh nhất Indonesia, OnlinePajak. Công ty của Guinot xử lý các giao dịch thuế quan với giá trị khoảng 3 tỷ USD trong năm 2017, và con số dự kiến của năm 2018 sẽ đạt 7 tỷ USD tương đương 10% khoản thu thuế của cả quốc gia.

20180723-pg4.jpg

 

OnlinePajak cho phép người dùng lưu lại các khoản thuế phải nộp và giao dịch bằng một vài cú click chuột thay vì điền vào hàng đống giấy tờ. Vì nền tảng được xây dựng trên blockchain, mọi thông tin được bảo đảm an toàn trước lừa đảo chiếm đoạt. Startup với 4 năm tuổi này đã hỗ trợ hơn 800.000 doanh nghiệp và cá nhân thoát khỏi gánh nặng thủ tục thuế quan. Người dùng được miễn phí dịch vụ cơ bản, còn một vài tính năng bổ sung như thuế tiền lương sẽ phải đóng một mức phí. Mô hình kinh doanh của OnlinePajak đã thu hút được hàng loạt công ty đầu tư mạo hiểm như Sequoia Capital đổ hàng triệu USD. Cơ quan thuế vụ Indonesia đã chọn OnlinePajak làm đối tác cung cấp dịch vụ trực tuyến e-filing và e-biling.
 
Trải khắp khu vực Đông Nam Á, những thử nghiệm đã bắt đầu được thúc đẩy. Trong tháng 5/2018, Philippines đã mở cửa chào đón không gian làm việc trên cơ sở blockchain đầu tiên của quốc gia này, tập trung vào ngành công nghệ tài chính. Blockchain Space, nhà điều hành dịch vụ nói trên, đã thực hiện các dự án tương tự ở Jakarta và Kuala Lumpur, cũng như có kế hoạch mở rộng sang Thái Lan và Việt Nam vào cuối năm nay.
 
Trong khi Đông Nam Á chưa hề xây dựng được danh tiếng của một trung tâm công nghệ toàn cầu, những bước đi chậm rãi gần đầy của cộng đồng startup cho thấy tiềm năng nuôi dưỡng công nghệ mới của khu vực. Với những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch nguồn vốn từ thung lũng Silicon sang các khu vực khác. Do khả năng Mỹ có thể ngăn chặn các luồng đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ tại quốc gia này, nguồn vốn của nhiều ông lớn của Trung Quốc sẽ chảy vào những vùng trũng khác. Có thể kể đến các bước đi trong khu vực Đông Nam Á của các tập đoàn hàng đầu đại lục như Alibaba mua lại Lazada Group và ký các thỏa thuận hợp tác tại Malaysia và Thái Lan. Tencent đang đầu tư vào Sea, công ty vận hành sàn thương mại điện tử Shopee và nền tảng game Garena. JD.com, trong năm ngoái đã đầu tư vào nhãn hàng thời trang Pomelo của Thái Lan, còn hai dịch vụ đi chung lớn nhất khu vực, Grab của Singapore và Go-jek của Indonesia đều nhận được vốn từ Didi Chuxing và Meituan Dianping.
 
Tiến bộ đang được nhìn thấy khắp nơi. Tại Indonesia, một công ty phân tích dữ liệu trên nền tảng AI, Dattabot, đã phát triển một nền tảng chia sẻ dữ liệu qua blockchain mang tên HARA để giúp nông dân tạo ra mùa vụ bội thu trên quy mô lớn hơn. Ở Việt Nam, startup mang tên Sero đã dựa trên AI để tìm hiểu các bệnh dịch ảnh hưởng tới cây trồng và chia sẻ cách thức giải quyết với nông dân. Sero cho biết các bác sĩ ảo có thể xác dịnh được 20 bệnh cây trồng với độ chính xác từ 70 đến 90%.
 
Tuy nhiên, công cuộc cách mạng khoa học ở Đông Nam Á không chỉ xoay quanh blockchain và AI. Có nhiều doanh nghiệp ra đời tập trung vào IoT, kết nối thiết bị qua Internet nhằm nâng cao năng suất và kết quả. Ở Philippin, với hơn 103 triệu dân sống ở 7.000 hòn đảo, sự hỗ trợ từ IoTs Philippines Inc đem lại hiệu quả lớn lao cho những người sống xa bệnh viện với các cảm biến thông minh gắn trên cơ thể. Thiết bị này cho phép bác sĩ thu thập thông tin thời gian thực từ bệnh nhân và theo dõi sức khỏe của họ.
 
Vishal Harnal, một đối tác tại 500 Startups - một quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu có trụ sở tại Singapore, chia sẻ: "Đông Nam Á đang chứng kiến một số lượng lớn các công ty bắt tay vào lĩnh vực công nghệ tiên tiến hoặc chuyên sâu... Thành công của những cái tên bản địa như Grab và Go-jek hay Sea đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu khoa học tham gia vào kinh doanh khởi nghiệp, nơi mà họ có thể tận dụng kinh nghiệm và kỹ năng cho các startup với công nghệ tiên tiến". Theo Hasnal, chính phủ nhiều quốc gia đã mở rộng nguồn lực hỗ trợ để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và các nhà đầu tư cũng chú ý tới những công nghệ có mác Made-in-Asia nhiều hơn. "Các dịch vụ đi chung, thương mại điện tử và du lịch đang là những lĩnh vực thu hút nhiều vốn nhất".
 
Nhận định trên hoàn toàn phù hợp khi nói về Singapore, quốc gia đã chuyển mình thành bệ phóng cho các công ty hi-tech. Một cuộc điều tra thực hiện bởi Đại học Quốc gia Singapore trong năm 2016 đưa ra kết quả hơn một nửa trong số 530 startup tại thời điểm đó sở hữu ít nhất một tài sản trí tuệ. Trong năm 2017, Singapore đứng thứ 7 trong danh sách những nước tân tiến nhất theo Đại học Cornell, INSEAD và WIPO. Quốc gia này cũng đang trên đà trở thành một phòng thí nghiệm vũ trụ, với những startup thử nghiệm mọi thứ từ phóng vệ tinh cỡ nhỏ tới laser trong liên lạc vệ tinh. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực y tế, ASLAN Pharmaceticals, một công ty công nghệ sinh học đang thử nghiệm 4 sản phẩm thuốc chống ung thư, đã có mặt trên sàn Nasdaq từ cách đây hơn 8 năm.
 
Trong một cuộc hội thảo vào tháng 5/2018 tại Jakarta, Triawan Munaf, Giám đốc Cơ quan Kinh tế sáng tạo Indonesia, một cơ quan chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tuyên bố quốc gia này mong muốn nắm bắt được công nghệ blockchain. "Indonesia muốn trở thành người dẫn đầu trong ứng dụng blockchain, không chỉ là người dùng. Công nghệ này có thể đem lại 400 tỷ USD thương mại cho thế giới trong vòng 4 năm tới, nên chúng tôi không muốn theo sau nhân loại".
 
Nhưng quyết tâm theo đuổi blockchain của Indonesia không chỉ vì niềm tự hào dân tộc; mà nó còn liên quan tới việc giải quyết một vấn nạn thường trực của cả khu vực. Đông Nam Á nổi tiếng vì thiếu sự minh bạch trong nhiều lĩnh vực, đi cùng với đó là hàng loạt vụ bê bối từ hộ chiếu giả mạo tại Thái Lan hay khủng hoảng y tế năm 2007 tại Lào khi hơn nửa số thuốc chống sốt rét bị phát hiện là hàng giả. Các chuyên gia cho rằng blockchain với đặc tính truy rõ nguồn gốc sẽ đem lại hiệu quả tiêu diệt tội phạm và gây dựng lại niềm tin của cộng đồng.
 
Thực tế không phải tất cả mọi người đều chào đón thế giới hoàn toàn khác lại của blockchain. Theo chuyên gia Edith Yeung của 500 Startups, "Tôi nghĩ không ít các công ty Đông Nam Á đang sử dụng tiền mã hóa cho mục đích lừa đảo bởi họ không thực sự cần công nghệ blockchain cho những thứ mà họ đang làm. Động lực của sự bùng nổ là kỳ vọng về khái niệm số hóa thẻ (tokenisation) có thể đem lại lợi nhuận tiền bạc cho những công ty đó", ám chỉ sự phổ biến ngày càng tăng của hiện tượng tạo ra các token số để thay thế cho tiền tệ truyền thống từ các nhà đầu tư cá nhân. Sự thay thế đó không yêu cầu kế hoạch kinh doanh và những người thiếu kiến thức về tài chính sẽ rất dễ dàng trở thành nạn nhân của lừa đảo. Ví dụ mới đây là Modern Tech, một startup Việt Nam đã kiếm được 660 triệu USD khi đánh lừa nhà đầu tư bằng tiền ảo.
 
Một số chuyên gia theo dõi thị trường thì quan ngại những giải pháp cho nhiều vấn nạn mà công nghệ đem lại có thể lại gây ra những vấn đề khác. Với luồng thu thập dữ liệu khổng lồ phục vụ AI và máy học, việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân lại trở nên nan giải ở khu vực mà thông tin cá nhân chưa được trú trọng. Hoặc mạng lưới truyền thông kết nối tại hầu hết các quốc gia Đông Nam Á cần được nâng cấp hạ tầng cơ sở để đáp ứng được nhu cầu của AI và các công nghệ mới khác. Nhưng có lẽ rào cản lớn nhất chính là thiếu nguồn lực con người, khi không phải doanh nhân nào cũng có khả năng nghiên cứu khoa học và điều hành một công ty. Nhiều người còn cho rằng sự thiếu quyết đoán của chính phủ các nước với công nghệ mới, vốn mất nhiều năm để đạt được thành tựu, có thể làm chậm bước tiến của cả ngành công nghệ. Giải pháp là, theo Guinot, "chúng ta cần đi từng bước để đảm bảo họ hiểu rõ ảnh hưởng của những việc mà chúng ta đang làm. Không thể nhanh vội được".
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top