Mạng Internet chập chờn do sử dụng camera xuất xứ không rõ ràng

Thứ tư, 05/10/2016 09:04

Từ thực tế hỗ trợ khách hàng thời gian gần đây, FPT Telecom vừa cho biết, việc sử dụng camera “lạ”, có xuất xứ không rõ ràng khiến mạng Internet bị chậm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, bị ăn cắp hình ảnh từ camera qua Internet, bị chiếm quyền phát từ các đầu ghi…

Thông tin từ FPT Telecom cho hay, tình trạng đang xảy ra tại nhiều hộ sử dụng dịch vụ Internet hiện nay và đặc biệt bùng phát trong thời gian gần đây là đường truyền mạng Internet bị chập chờn không rõ nguyên nhân, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật điều chỉnh nhưng vẫn không hiệu quả.

Cụ thể, gần đây Trung tâm kỹ thuật của FPT Telecom đã nhận được nhiều thông tin phản hồi phản ánh đường truyền mạng chập chờn từ một số khách hàng. Dù được các kỹ thuật viên kiểm tra và xác nhận không có lỗi gì nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy.

Khách hàng cho biết, đường truyền mạng đang sử dụng không ổn định. Có những thời điểm bắt sóng Wi-fi rất khỏe, kiểm tra tốc độ mạng bình thường nhưng khi sử dụng để truy cập lại yếu, vào các website như Google.com.vn cũng mất rất nhiều thời gian.

Trước tình hình đó, Trung tâm kỹ thuật đã tiến hành kiểm tra, qua đó nhận thấy có những thời điểm, các thiết bị bắt sóng Wi-Fi rất khỏe, test tốc độ mạng nhanh nhưng khi sử dụng để truy cập Internet lại chập chờn.

Mặc dù đã được kiểm tra, tiến hành đổi các thiết bị đầu cuối (modem FPT), cá biệt có những khách hàng được đổi thiết bị đến 3-4 lần, nhưng chỉ vài ngày sau, tình trạng chập chờn đường truyền mạng lại tái diễn trong khi các đèn tín hiệu trên thiết bị modem vẫn báo tốt.Sau quá trình theo dõi và kiểm tra, kỹ thuật viên của FPT đã phát hiện điểm chung giữa các khách hàng này là đều sử dụng camera “lạ”, có xuất xứ không rõ ràng. Khi được lắp vào local, các camera này liên tục gửi các gói tin TCP port 23 và UDP port 53413 làm tràn bảng NAT session trên modem từ đó gây ra mất kết nối.  Các trường hợp gặp lỗi này, chỉ cần reboot lại camera, modem FPT, đầu ghi … thì mạng Internet sẽ sử dụng lại bình thường.

Cũng theo kết quả kiếm tra của Trung tâm kỹ thuật FPT Telecom, sự cố đường truyền mạng không ổn định là do đầu ghi và Camera bắn ra bên ngoài với lưu lượng vài nghìn session/phút dẫn đến làm treo các thiết bị kể cả TL-480T+, Draytek 2920.   “Từ sự cố trên kết hợp với các thông số mà kỹ thuật viên cung cấp, khả năng không nhỏ về nguy cơ chiến tranh mạng có thể diễn ra”, đại diện FPT Telecom chia sẻ.

img
Thống số cài đặt mạng ở các trường hợp khách hàng FPT Telecom dùng camera “lạ”, không rõ nguồn gốc xuất xứ (Nguồn ảnh: Chungta.vn)
 
FPT Telecom dự báo có 4 nguy cơ mất an toàn thông tin có thể xảy ra khi người dùng sử dụng các camera “lạ”, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, cụ thể là: Đầu ghi và Cam bắn full session mà modem có thể đáp ứng, gây treo thiết bị, gián đoạn các dịch vụ online; Bắn full traffic theo kiểu từ chối truy cập (DDoS), gây nghẽn băng thông, chiếm dụng toàn bộ traffic đường truyền; Có thể ăn cắp các hình ảnh từ camera và thông qua internet để chuyển tới cho bên thứ 3 và bằng các nào đó, có thể chiếm quyền phát từ các đầu ghi để hiển thị hình ảnh lên màn hình theo dõi không phải từ camera của khách hàng.
 
Khi gặp các trường hợp này, khách hàng hoặc kỹ thuật viên có thể thực hiện filter (lọc) trên modem GPON cả hai port 23 và 53413 theo ảnh hướng dẫn, đồng thời gửi thông tin ngay cho Trung tâm điều hành kỹ thuật mạng FPT Telecom để phối hợp kịp thời.
 
img
Trung tâm kỹ thuật của FPT Telecom khuyến nghị các khách hàng nên sử dụng camera chính hãng, uy tín để đảm bảo an toàn. (Nguồn ảnh: Chungta.vn)
 
Đồng thời, để đảm bảo an toàn hơn trong quá trình sử dụng camera cũng như dịch vụ mạng Internet, kỹ thuật viên FPT Telecom cũng khuyến cáo các khách hàng nên sử dụng loại camera chính hãng, có xuất xứ rõ ràng và đảm bảo: khách hàng nên lựa chọn đối tác lắp đặt camera uy tín và chuyên nghiệp để có trải nghiệm sử dụng camera tốt hơn.
 
Mới đây, vào trung tuần tháng 9/2016, đại diện Công ty Dasan Zhone Solutions Việt Nam cũng đã đưa ra khuyến cáo, hiện nay trên thị trường camera an ninh Việt Nam đang xuất hiện nhiều thiết bị có giá thành rẻ, tính bảo mật thấp đang tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn an ninh thông tin cho người dùng.
 
Theo ông Jong Hyun Park, Tổng giám đốc Dasan Zhone Solutions Việt Nam, hiện nay Smart City (thành phố thông minh) đang là một trong những chủ đề về IoT nhận được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, chính phủ. Với Smart City, việc truy xuất dữ liệu cần được phân quyền nghiêm ngặt để đảm bảo mức độ an toàn bảo mật cao nhất, nếu không sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như thiệt hại về tài chính hay thậm chí liên quan đến sự an toàn tính mạng. Thế nhưng, thị trường Việt Nam hiện đang có nhiều thiết bị camera giá thành rất rẻ (trên dưới 1 triệu đồng - PV) mà vấn đề bảo mật chưa được quan tâm đúng mức. Vị đại diện này nhận định đây là tình trạng đáng lo ngại gây mất an toàn bảo mật.
 
Trước đó, hồi tháng 11/2014, website Insecam.com đã công bố hơn 73.000 webcam không đảm bảo an ninh từ khắp thế giới. Đáng chú ý, trong số đó, có 935 webcam có địa chỉ IP xuất xứ từ Việt Nam. Phần lớn trong số này là CCTV (camera giám sát, thường hoạt động trên hệ cáp đồng trục) và IP camera (thiết bị quan sát kỹ thuật số hoạt động bằng cách gửi và nhận tín hiệu trên nền mạng nội bộ hoặc Internet), không bao gồm webcam trên notebook và PC. Khi đó, đại diện Bkav đã đưa ra nhận định, số webcam tại Việt Nam bị thâm nhập, theo dõi, có thể còn nhiều hơn con số gần 1.000, theo công bố của website Insecam.com. Bởi lẽ, trang web này chỉ tập hợp các webcam với một số mẫu mã và khu vực nhất định. Nếu mở rộng phạm vi thống kê với nhiều khu vực và mẫu mã camera hơn, thì con số camera bị mất an toàn sẽ lớn hơn nhiều.
M.T
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top