Nữ nhân viên Bưu điện dân tộc Thái – 17 năm cần mẫn phục vụ cộng đồng

Thứ tư, 27/02/2019 08:41

Là người dân tộc Thái có hơn 17 năm gắn bó với Bưu điện văn hóa xã (BĐ-VHX) Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chị Lường Thị Luần đã phần nào thực hiện được ước mơ góp một phần công sức bé nhỏ giúp ích cho xã hội và phục vụ cộng đồng.

20190312-l1.jpg

Chị Lương Thị Luần, nhân viên BĐ-VHX Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

Gia đình khó khăn lại đông anh em nên từ bé, chị Luần luôn nỗ lực học tập để thực hiện mơ ước của mình. Đầu những năm 2000, ở địa bàn miền núi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Văn Chấn, hiếm có người học hết lớp 12 như chị. Tốt nghiệp phổ thông, để biến ước mơ thành hiện thực, chị đăng ký thi vào Trường Trung cấp Y Yên Bái nhưng không đỗ. Ngay sau đó, chị xin vào làm việc tại BĐ-VHX Phúc Sơn vì biết công việc của ngành Bưu điện gắn bó mật thiết với người dân và thực hiện sứ mệnh phục vụ cộng đồng.

Nhận tháng lương đầu tiên với 290.000 đồng trong tay, chị Luần mua một chiếc xe đạp để có phương tiện đi lại hỗ trợ cho công việc. Thời đó cả xã chỉ có một chiếc điện thoại bàn của Bưu điện nên mỗi khi có cuộc gọi đến, dù quãng đường xa và khó đi như thế nào, chị đều cần mẫn đạp xe đi gọi bà con đến nghe máy. Chị kể, ngày trước, giao thông đi lại còn rất khó khăn chứ không thuận tiện như bây giờ. Những con đường đất sỏi đá gồ ghề vào mùa nắng, trơn trượt bùn đất khi trời mưa. Để vào một số thôn, chị phải vượt qua cầu tre cheo leo nguy hiểm lúc mùa mưa lũ đến. Nhiều lúc chị phải đạp xe quãng đường 2-3 km đi gọi bà con đến BĐ-VHX nghe điện thoại và chỉ thu 2 ngàn đồng mỗi một lần nhưng chị Luần luôn xem đó là niềm vui được phục vụ.
 
20190312-l2.jpg
 
Chị Lường Thị Luần phát bưu phẩm đến tay người nhận
 
Hiện cả 9 thôn, bản của xã Phúc Sơn đều có đường giao thông đi lại thuận tiện. Những con đường làng, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã được rải cấp phối và bê tông hóa. Nhiều thôn vận động nhân dân chung sức, góp tiền của, ngày công mở đường giao thông và làm cầu treo qua suối. Chị Luần cũng đã mua được xe máy để phục vụ thuận tiện hơn cho công việc nhưng chị không thể nào quên quãng thời gian dài đồng hành cùng chiếc xe đạp mỗi ngày đi phát công văn, giấy tờ, thư báo và gọi người dân đến nghe điện.
 
Gần gũi với bà con dân tộc thiểu số thật thà, chất phác mỗi ngày, kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị đó là trong những lần tiếp xúc, phục vụ người dân, có nhiều người nói với chị rằng: “Cháu là người làng bản mình nên mới dám hỏi, thế gửi thư như thế này là cháu phải đi tận Hà Nội để đưa tận tay cho người nhận à?”, hay “Sao gọi điện thế này mà nói chuyện được với nhau thế nhỉ?”… Nghe những câu hỏi đấy, chị đều cố gắng giải thích cặn kẽ, tận tình để bà con hiểu và hướng dẫn cụ thể để mọi người đều sử dụng được dịch vụ.
 
Chị Luần tâm sự rằng, công việc của ngành Bưu điện hiện nay có nhiều đổi mới với việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng sâu rộng, vì vậy chị luôn tâm niệm bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa để theo kịp sự phát triển, từ đó phục vụ người dân ở địa bàn mình được tốt hơn.
 
Với những đóng góp và cống hiến của mình, chị Lường Thị Luần là 1 trong 3 nhân viên BĐ-VHX của Bưu điện Yên Bái được nhận bằng khen của Tổng công ty nhân kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển BĐ-VHX vào tháng 10/2018 vừa qua. Chị được ghi nhận bởi luôn có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động trong công việc và có mối quan hệ tốt với người dân, khách hàng tại địa phương.
Theo vnpost.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top