Cần đổi mới công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 02/04/2018 13:45

Công tác tuyên truyền, vận động có ý nghĩa quan trọng để thực hiện thành công mọi hoạt động nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Tuy nhiên, thực tế sau hơn 6 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hiệu quả ở một số địa phương còn thấp, hoạt động tuyên truyền còn nhiều hạn chế...

images2546783-IMG-3522.JPG

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã có nhiều địa phương thực hiện hiệu quả, góp phần làm chuyển biến tích cực bộ mặt nông thôn của địa phương, đời sống người dân nâng lên, ý thức xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dân cư ngày càng được chú trọng thực hiện dần đi vào nền nếp.
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn một số địa phương chưa thực sự vào cuộc ở cả cấp ủy, chính quyền xã, thôn; công tác tuyên truyền, vận động chưa có sự chú trọng, đa dạng về hình thức, nên dù đã thực hiện chương trình này được hơn 6 năm nhưng hiệu quả thấp, một số cán bộ và một bộ phận người dân chưa hiểu đầy đủ bản chất của chương trình, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước.
 
Nói về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đồng chí Hoàng Văn Thiện- Chủ tịch UBND xã Đại Sảo (Chợ Đồn) chia sẻ: Thực tế, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở địa phương người dân chưa thực sự “thấm” được nhiều. Nội dung tuyên truyền mặc dù được tăng cường nhưng chưa đi sâu, chưa đa dạng được các hình thức, nên một bộ phận vẫn có tư tưởng trông chờ ỷ lại, nhất là trong vấn đề xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Trong khi đó, bản chất của chương trình thì nhân dân là chủ thể, mọi tiêu chí đều do nhân dân làm và hưởng thụ, nhà nước chỉ hỗ trợ.
 
Ở xã Đại Sảo, theo đánh giá của lãnh đạo xã, khó khăn nhất là thực hiện tiêu chí môi trường. Thời gian qua, xã cũng đã chỉ đạo các tổ chức Hội, đoàn thể tích cực vận động, tuyên truyền để hội viên, nhân dân hiểu và thực hiện, nhưng đến nay, việc xử lý và thu gom rác thải, nước sinh hoạt đúng quy định vẫn đang là một bài toán khó. Vận động nhân dân thực hiện, học tập xã bạn thực hiện xây các lò mi ni xử lý rác thải, nhưng nhiều hộ nghi ngại ảnh hưởng đến sức khỏe từ khói khi đốt rác. Một số lãnh đạo thôn chia sẻ: Nhiều lúc ban phát triển thôn đi vận động vẫn có một bộ phận nhân dân ủng hộ nhưng theo kiểu gượng ép. Chính vì vậy, đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét.
 
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, ở một số địa phương làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động, hiệu quả nhìn thấy rõ qua sự chuyển biến ở địa phương, đơn cử như ở xã Kim Lư (Na Rì), địa phương được tỉnh chọn phấn đấu về đích năm 2017. Đồng chí Hoàng Văn Giáp- Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lư chia sẻ: Hiện nay Kim Lư đã đạt được 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Có thể nói rằng, để Kim Lư có được 13 tiêu chí như thế này trong khi xã cũng chủ yếu làm nông nghiệp, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, không sát sao công việc hằng ngày khi đã giao cho từng thành viên thì hiệu quả sẽ không cao.
 
Đối với cơ sở, người dân quanh năm chỉ gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp thì hình thức, nội dung tuyên truyền cần cụ thể, đơn giản, dễ hiểu chứ đừng “đao to búa lớn” dân khó hiểu, khó nhớ. Ví dụ như tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh địa phương rất dễ đến với bà con nhưng tác dụng của phương tiện tuyên truyền này chưa thực sự được chú trọng đúng mức; hệ thống loa truyền thanh cơ sở hỏng hóc, chưa được sửa chữa kịp thời…
 
Công tác tuyên truyền thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở, ngoài việc bám kế hoạch chung hàng năm của tỉnh, của huyện, của xã cần gắn với các tiêu chí cụ thể. Khi tuyên truyền, cần nói rõ người dân hiểu các công việc cụ thể, thiết thực gắn với đời sống, sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần thực hiện tốt hơn nữa đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”. Tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, đặc biệt là ở cấp xã, thôn để cán bộ nhận thức đúng, đầy đủ thì mới thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân rõ ràng, hiệu quả. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, rút kinh nghiệm để chỉ đạo nhân rộng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gia đình, khu dân cư văn hóa tiêu biểu, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; phê bình thẳng thắn cá nhân, cơ quan, đơn vị yếu kém trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đây cũng là một cách tuyên truyền gián tiếp nhưng hiệu quả tác động trực tiếp rất lớn trong xây dựng nông thôn mới./.
Tùng Vân
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top