Ban điều hành triển khai Đề án 99 hoàn thành tốt kế hoạch công tác năm 2017

Thứ sáu, 12/01/2018 13:21

Sáng 12/1/2018, tại Hà Nội, Ban điều hành triển khai Đề án 99 đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2018. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các trường đại học, một số doanh nghiệp về an toàn thông tin và các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT.

20180112-pg2-ln.jpg
 
Thứ trưởng Phan Tâm chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Ban điều hành
 
Tại Hội nghị, đại diện Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT đã đưa ra đánh giá chung về kết quả đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin (ATTT) sau hơn 03 năm (từ 2014 -2017) triển khai Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” theo Quyết định số 99/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 99). Cụ thể, đã cử được 91 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an toàn, an ninh thông tin (ATANTT) ở 11 quốc gia trên thế giới, trong đó có 63 Tiến sỹ, 18 Thạc sỹ. Đây là lực lượng quan trọng trong việc đào tạo, nghiên cứu về ATANTT trong giai đoạn tới. Đã có 100 thạc sĩ, 853 kĩ sư, cử nhân về ATANTT tốt nghiệp ra trường, trong đó có 31 kĩ sư, cử nhân tốt nghiệp loại giỏi và 562 kĩ sư, cử nhân tốt nghiệp loại khá. Trong đó trên 80% số lượng tốt nghiệp ra trường đã có việc làm. 4600 lượt cán bộ làm về ATANTT và CNTT tại các cơ quan nhà nước đã được tập huấn, đào tạo ngắn hạn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng.
 
Ban điều hành Đề án 99 đã phát huy tốt chức năng điều phối, hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện Dự án đầu tư; huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực trong và ngoài nước cùng tham gia; gắn kết các cơ sở đào tạo với nhau và với cộng đồng doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: hội thảo khoa học, trao học bổng, tọa đàm hướng nghiệp và hội chợ việc làm cho sinh viên. Hoạt động hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ATANTT đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là hoạt động hợp tác quốc tế với phía Nhật Bản, đại diện Cục ATTT khẳng định.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, đại diện Cục ATTT cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 99. Một trong những khó khăn lớn nhất là về nguồn lực tài chính. Mức kinh phí được cấp so với mức được phê duyệt chỉ bằng khoảng 1/5.
 
Về đội ngũ giảng viên ATANTT tại các cơ sở đào tạo, số lượng được cử đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ tại nước ngoài chưa đáp ứng mục tiêu đề ra vì số lượng giảng viên đáp ứng cả hai tiêu chí rất khiêm tốn (nộp hồ sơ chuyên ngành ATANTT và đủ điều kiện ngoại ngữ).
 
Về chất lượng học viên, số lượng tuyển sinh đào tạo đại học và sau đại học ngành ATANTT tại các cơ sở đào tạo mặc dù đáp ứng về số lượng, nhưng chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng như chất lượng đào tạo là một vấn đề cần phải quan tâm. Đặc biệt số lượng tuyển sinh vào hệ tài năng, hệ chất lượng cao còn ít, trong khi  ATANTT là nội dung khó, để trở thành kỹ sư, cử nhân chất lượng cao thì học viên cần có năng lực và nền tảng tốt.
 
Giáo trình và cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo trọng điểm cũng cần tiếp tục được đầu tư, nâng cấp mới có thể đáp ứng được công tác đào tạo kỹ sư, cử nhân chất lượng cao. Đến hết năm 2017, vẫn còn 04 cơ sở đào tạo trọng điểm chưa thực hiện được Dự án Đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
 
Một mục tiêu khác Đề án 99 đặt ra là đến năm 2020 đưa 1500 lượt cán bộ chuyên trách về ATANTT đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài cũng khó trở thành hiện thực trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và mặt bằng chung về ATANTT và ngoại ngữ còn chưa cao.
 
Tại hội nghị, đại diện các Bộ ngành, học viện, doanh nghiệp đều nhất trí quan điểm trong bối cảnh hiện nay, cần ưu tiên tập trung tổ chức đào tạo ngắn hạn ở trong nước, có thể sử dụng chương trình quốc tế và mời giảng viên có uy tín của nước ngoài sang giảng dạy và tăng cường sử dụng giáo trình điện tử. Tuy nhiên, cũng phải tìm kiếm các đơn vị có năng lực trong nước tham gia vào đào tạo ATTT vì ATANTT là lĩnh vực mà có những thứ nước ngoài không chuyển giao đào tạo. Đại diện Bkav khẳng định nhu cầu đào tạo ATTT trong xã hội hiện nay rất lớn, không chỉ riêng của cơ quan nhà nước mà là của ngân hàng, hàng không … những ngành có các hệ thống thông tin rất lớn. Do đó, Đề án 99 nên bổ sung đối tượng đào tạo. Cần tìm cách xã hội hóa ATTT, mới giúp đào tạo ATTT hiệu quả và cần quan tâm đào tạo ATTT theo nhu cầu, đại diện Bkav đề xuất.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm ghi nhận Ban điều hành Đề án 99 đã hoàn thành về cơ bản kế hoạch công tác năm 2017 và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ thông qua những số liệu cụ thể thể hiện trong báo cáo.
 
Thứ trưởng chỉ đạo Thường trực Ban điều hành Đề án 99 tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo trình lên Thủ tướng Chính phủ. Trong báo cáo cần thuyết minh rõ về tính hiệu quả của Đề án 99, từ đó kiến nghị các cơ quan bố trí thêm nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ Đề án 99. Về vấn đề xã hội hóa đào tạo ATTT, cần làm rõ phương hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để công tác xã hội hóa được thuận lợi hơn.
 
Liên quan đến hoạt động của Ban điều hành, cần kiện toàn Ban điều hành và Tổ giúp việc, rà soát cơ chế, quy trình làm việc để phát huy vị trí các thành viên của Ban điều hành. Cụ thể hóa nhiệm vụ cho các thành viên Ban điều hành, Tổ giúp việc theo kế hoạch công tác của Ban điều hành trong năm 2018, Thứ trưởng chỉ đạo./.
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top