Cục Tần số vô tuyến điện triển khai công tác năm 2018

Thứ ba, 19/12/2017 20:36

Chiều ngày 19/12, tại Hà Nội, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2018. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT; lãnh đạo Trung tâm tần số các khu vực và các phòng, ban của Cục Tần số vô tuyến điện.

20171219-m10.jpg
 
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chúc mừng và biểu dương tập thể cán bộ, công nhân viên chức Cục Tần số vô tuyến điện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017. Về cơ bản, công tác quản lý tần số vô tuyến điện được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp và chuyên sâu. Đến thời điểm hiện nay, 100% các văn bản quy phạm pháp luật mà Cục đăng ký xây dựng trong năm 2017 đều đã được hoàn thành và ban hành.
 
Cục đã làm tốt vai trò tham mưu, điều phối, thúc đẩy việc triển khai Đề án số hóa truyền hình. Kết quả là đã hoàn thành ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 15 tỉnh Nhóm II đối với các trạm phát sóng chính từ ngày 15/8/2017 và tại 6 tỉnh vào ngày 30/12/2017 sắp tới. Đây có thể nói là một năm có số tỉnh ngừng phát sóng truyền hình tương tự nhiều nhất từ trước tới nay, trong đó nhiều tỉnh có địa hình đồi núi và lãnh đạo nhiều Đài còn chưa thực sự thông và ủng hộ giai đoạn đầu. Đặc biệt là có 5 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang thuộc nhóm 3 được đưa lên số hóa cùng tỉnh nhóm 2. Việc này góp phần thúc đẩy nhanh việc giải phóng băng tần 700 MHz để dùng cho hệ thống di động.
 
Trong thời gian qua, Cục Tần số vô tuyến điện đã nỗ lực đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính thông qua việc đề xuất, tham mưu cắt giảm giấy tờ, hồ sơ đăng ký cấp phép tần số. Cục cũng tăng cường ứng dụng CNTT cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, với 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 04 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Qua đó góp phần cắt giảm nhiều chi phí cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép và chi phí quản lý hành chính của Cục.
 
Về cấp phép điện tử, số lượng giấy phép điện tử là gần 22.000 giấy phép, đạt 73% trên tổng số 32.500 giấy phép đã cấp. Số lượng hồ sơ điện tử là gần 1000 hồ sơ.
 
Trong năm 2017, Cục tiếp tục xử lý 31 vụ can nhiễu còn tồn đọng từ năm 2016 và tiếp nhận thêm 219 khác. Trong đó có 174 can nhiễu thông tin di động, 26 can nhiễu mạng dùng riêng, 10 can nhiễu mạng Hàng không. Hiện nay, chỉ còn 08 vụ can nhiễu Cục đang tiếp tục giải quyết, trong đó chủ yếu là các vụ can nhiễu mạng di động (06 vụ). Phát hiện và xử lý 570 thiết bị DECT 6.0 gây nhiễu cho 634  NodeB trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung ở các tỉnh như Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.
 
Cục đã nghiêm túc, khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai nhiệm vụ phục vụ cho tất cả các Hội nghị nằm trong chuỗi 11 sự kiện của Năm APEC 2017. Về công tác cấp phép, Cục đã tổ chức họp với Cục Lễ tân (Bộ Ngoại giao), Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I (Bộ Công an), Cục Hàng không để thống nhất phương án, quy trình, thủ tục rút gọn để việc xử lý cấp phép cho các đoàn được diễn ra thuận lợi nhất. Về kiểm soát tần số vô tuyến điện, Cục đã kịp thời phát hiện, xác định và xử lý nhanh chóng các đài phát bất hợp pháp, các nguồn phát sóng có khả năng gây can nhiễu có hại nhằm bảo vệ các tần số, dải tần số trước, trong và sau các Hội nghị.
 
Năm 2017, Cục đã tiến hành thanh tra theo kế hoạch đối với 29 đơn vị, kiểm tra định kỳ 119 đơn vị và thanh tra đột xuất 04 đơn vị, ban hành 171 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó, xử phạt tiền 129 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt là 738.400.000đ, xử phạt cảnh cáo 39 tổ chức, cá nhân.
 
Cũng trong năm 2017, Cục đã hoàn thành phối hợp tần số biên giới với Campuchia, Lào, Trung Quốc, đạt nhiều thỏa thuận quan trọng; Cục đã cấp mới, gia hạn, cấp lại cho trên 1450 hồ sơ xin cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, quản lý tốt an toàn bức xạ; Thực hiện tốt vai trò Văn phòng Ủy ban tần số vô tuyến điện quốc gia; Phối hợp với các Sở TT&TT cấp và gia hạn 979 giấy phép đài Truyền thanh không dây và 1073 giấy phép tàu cá.v.v...
 
Đồng tình với những khó khăn của Cục, Thứ trưởng cho rằng, mặc dù có một số văn bản QPPL chưa được ban hành đầy đủ nhưng Cục đã hoàn thành tốt nhiệm của mình. Về kiến nghị đề án số hóa, Bộ ghi nhận và sẽ xem xét giải quyết.
 
Về công tác quản lý an toàn bức xạ điện từ, Thứ trưởng đề nghị Cục Tần số phối với Cục Viễn thông đề xuất Bộ cần ban hành văn bản gì để đưa hoạt động này đi vào nề nếp hơn.
 
Thứ trưởng nhất trí với kế hoạch chương trình công tác năm 2018 của Cục. Thứ trưởng nhấn mạnh thêm một số nội dung: Về Thông tư Quy hoạch băng tần 698-806 MHz, đây là Thông tư này rất quan trọng, nên nếu Cục hoàn thành ban hành được 2017 thì làm, không thì đăng ký bổ sung để xây dựng sau.
 
Về đấu giá quyền sử dụng băng tần 2.6 GHz, Thứ trưởng đánh giá cao Cục về công tác chuẩn bị cho quá trình đấu giá. Một mặt Cục cần tiếp tục làm việc với các đơn vị trên Văn phòng Chính phủ, một mặt tiếp tục chuẩn bị và làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan để đấu giá băng tần này. Đồng thời, chuẩn bị tiến hành đấu giá ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có ý kiến.
 
Tiếp tục triển khai Đề án Số hóa truyền hình mặt đất, hoàn thành giai đoạn 3 và triển khai giai đoạn 4 của Đề án. Cục cần phối hợp với các địa phương xác định thật chuẩn xác các xã đủ điều kiện hỗ trợ đầu thu vệ tinh.
 
Đối với việc sử dụng chung hạ tầng IT tại tòa nhà 115 Trần Duy Hưng, Thứ trưởng đề nghị Cục Tần số phối hợp với Trung tâm Thông tin, Cục Viễn thông thực hiện dùng chung đường truyền, nên có đường cáp quang nữa nối giữa 2 tòa nhà, đảm bảo kết nối thông suốt giữa 2 đầu cầu (115 Trần Duy Hưng và 18 Nguyễn Du).
 
Về đề xuất cấp phép băng tần 850 MHz, Cục nên tổ chức cuộc họp bàn về hướng xử lý sắp tới. Quan điểm chung về quản lý tài nguyên viễn thông, tinh thần là ủng hộ cạnh tranh, đảm bảo tính công bằng, không có doanh nghiệp được quá nhiều hoặc quá ít tài nguyên. Trong các đề xuất, kiến nghị, nhất là đối với cấp phép băng tần chúng ta nên ưu tiên: tuân thủ các quy định pháp luật, tìm ra sở cứ pháp luật cho các kiến nghị; tiếp thu và làm theo chỉ đạo của cấp trên. - Thứ trưởng lưu ý.
 
Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục cần tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm minh các sai phạm, vi phạm đảm bảo cho sự phát triển của hạ tầng viễn thông, CNTT..../.
 
Doãn Mạnh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top