Đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở

Thứ năm, 16/11/2017 10:46

Hệ thống thông tin cơ sở có vai trò quan trọng trong việc phổ biến pháp luật, vận động quần chúng và cung cấp kịp thời các thông tin quản lý của chính quyền đến người dân tại địa phương, đảm bảo cho sự điều hành thống nhất, công khai, trực tiếp, hạn chế những khó khăn, phức tạp, sai phạm; giúp việc tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước ở cơ sở và đóng góp tích cực vào công tác dân vận của Đảng và Nhà nước. Với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, từ năm 2010, Bộ TT&TT đã xây dựng và đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2015 và Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020.

 
20171116-l1.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương các CTMTQG giai đoạn 2016-2020 báo cáo với Đoàn công tác của Ban Dân vận TW làm việc tại Bộ TT&TT ngày 9/11/2017 vừa qua
 
Vai trò đặc biệt của thông tin và truyền thông đối với chính quyền cơ sở
 
Trong thời gian qua, với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, cơ quan TW và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ của Bộ TT&TT đã hoàn thành nhiệm vụ về xây dựng, phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện đã được giao về các CTMTQG giai đoạn 2016-2020. Việc thực hiện các nội dung về thông tin truyền thông trong các chương trình này không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển ngành, mà còn đóng góp tích cực vào vệc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác dân vận của Đảng nói riêng.
 
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2011-2015, với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TT&TT, năm 2010, Bộ TT&TT đã xây dựng và đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt thực hiện CTMTQG đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Và để thực hiện Chương trình, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn quản lý. Trong giai đoạn vừa qua, kết quả thực hiện Chương trình là hết sức tích cực, bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về vai trò của thông tin và truyền thông ở cơ sở, nhất là đối với vùng khó khăn; Chương trình đã bước đầu tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ và hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng thông tin truyền thông cơ sở; thu hẹp khoảng cách hưởng thụ về thông tin giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi, giữa đất liền và vùng biên giới, hải đảo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân sinh sống trên địa bàn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Qua đó đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và góp phần tích cực vào công tác dân vận của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, do mức kinh phí bố trí từ ngân sách TW cho Chương trình trong giai đoạn 2011-2015 còn hạn chế dẫn đến nhiều mục tiêu của Chương trình chưa đạt được như kế hoạch đề ra.
 
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương các CTMTQG giai đoạn 2016-2020, với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TT&TT và Bộ TT&TT được giao chủ trì (Dự án 4 - Truyền thông và giảm nghèo về thông tin) đã đề xuất một số nội dung về TT&TT trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020: Bộ đã đề xuất nội dung của tiêu chí số 8 trong Bộ tiêu trí quốc gia xã nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2017, gồm 4 nội dung cụ thể: Xã có điểm bưu điện văn hóa xã; Xã có dịch vụ internet; Xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn; Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 442/QĐ-BTTTT ngày 28/3/2017 Quy định chi tiết thực hiện tiêu chí Thông tin và Truyền thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
 
Trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Bộ TT&TT đã phối hợp, đề nghị nội dung số 08, thành phần thứ 2 của CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 về tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở; trong đó thiết lập mới trên 2.000 đài truyền thanh cấp xã; nâng cấp trên 3.200 đài truyền thanh cấp xã; nâng cấp trên 300 đài phát thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh truyền hình; thiết lập mới trên 4.500 trạm truyền thanh thôn, bản thuộc xã khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo xa trung tâm xã. Đến năm 2020, có 95% số xã đạt chuẩn các nội dung khác của tiêu chí số 8 về Thông tin - Truyền thông. Theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện nội dung “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
 
Bên cạnh đó, Bộ đã đề xuất thông tin là một trong các tiêu chí xác định hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều và mục tiêu, nhiệm vụ về thông tin và truyền thông trong CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Xác định vai trò của thông tin trong quá trình phát triển, nhất là đối với công tác giảm nghèo, công tác dân vận, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ LĐTB&XH, các Bộ, cơ quan TW trình Thủ tướng Chính ban hành Quyết định số 1614/QQĐ-TTg  ngày 15/9/2015 phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó thông tin là một trong 05 dịch vụ xã hội cơ bản trong tiêu chí xác định hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều (gồm: Nhà ở; Giáo dục; Y tế; Nước sạch và vệ sinh môi trường; Thông tin).  
 
Đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ về TT&TT trong CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Về mục tiêu, nhiệm vụ TT&TT trong CTMTQG giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020, là 100% cán bộ cấp xã làm công tác TT&TT được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ TT&TT cổ động; 50% các xã nghèo có điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời; có 100 huyện và khoảng 600 xã được trang bị bộ phương tiện tác nghiệp tuyên truyền cổ động; thiết lập ít nhất 20 cụm thông tin cơ sở tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trung tâm giao thương.
 
Bên cạnh đó, 90% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hình thức báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác; Hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho khoảng 10.000 hộ nghèo sống tại các đảo xa bờ; hộ nghèo thuộc các dân tộc rất ít người; hộ nghèo sống tại các xã đặc biệt khó khăn.
 
Về nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu của Chương trình về thông tin và truyền thông, Bộ TT&TT được giao chủ trì (Dự án số 4) thuộc Chương trình gồm 2 hoạt động thành phần gồm: Truyền thông về giảm nghèo, Bộ TT&TT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; Giảm nghèo về thông tin nhằm xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân.
 
Để thực hiện có hiệu quả các CTMTQG giai đoạn 2016-2020, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, LĐTB&XH, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai các nội dung, dự án thành phần về thông tin và truyền thông thuộc 2 CTMTQG  theo nhiệm vụ được giao cho các Bộ, cơ quan TW và các địa phương; xuất bản 02 cuốn sách hệ thống văn bản quản lý CTMTQG giai đoạn 2016 - 2020 phục vụ công tác quản lý; Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ NN&PTNT phát động Cuộc thi báo chí viết về xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong Quý II năm 2017; chỉ đạo các Sở TT&TT, các cơ quan báo chí TW và địa phương tích cực tham gia cuộc thi, tăng cường thông tin, tuyên truyền về cuộc thi; phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Hội Nhà báo Việt Nam phát động Cuộc thi báo chí viết về giảm nghèo bền vững và đã tổ chức chấm thi, trao giải năm 2017 vào đầu tháng 10/2017; Thành lập chuyên trang, chuyên mục trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ TT&TT và cơ quan báo chí thuộc Bộ để tuyên truyền thực hiện các chương trình; tổ chức 02 lớp tập huấn cho các đội ngũ phóng viên báo chí tuyên truyền về các Chương trình; Bộ TT&TT cũng đã chủ trì phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức 02 cuộc vận động nhắn tin ủng hộ người nghèo trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia với chủ đề “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cuộc phát động ủng hộ qua tin nhắn đã tạo hiệu ứng xã hội tốt trong việc quan tâm đến người nghèo và công tác giảm nghèo bền vững...
 
Những vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới
 
Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, việc triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 vẫn còn gặp phải một số hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới. Cụ thể:
 
Đối với CTMTQG dựng nông thôn mới: Theo đánh giá kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 thì tiêu chí về TT&TT đã có trên 91% số xã đạt. Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020 với việc điều chỉnh, bổ sung nội dung tiêu chí và nâng cao chất lượng tiêu chí của giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 thì việc phấn đấu đến 95% số xã hoàn thành tiêu chí là rất khó khăn (Theo báo cáo của 51 địa phương đã gửi về Bộ TT&TT, tỷ lệ số xã đạt nội dung 8.3 "Xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn" thuộc của tiêu chí số 8 là thấp nhất, khó khăn nhất, đến 30/6/2017 mới chỉ có khoảng 50% số xã đạt nội dung này).
 
20171117-l2.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương các CTMTQG giai đoạn 2016-2020 kiểm tra việc thực hiện các Chương trình MTQG tại Quảng Bình
 
Hiện nay, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, sẽ đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Nội dung “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở” trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới.
 
Mặt khác, CTMTQG  xây dựng nông thôn mới thực hiện theo cơ chế giao thẩm quyền quyết định việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cho các địa phương; do đó việc kết hợp quản lý theo ngành và theo địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành còn hạn chế, khó khăn trong công tác phối hợp, chỉ đạo.
 
Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững: Trên thực tế, đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở còn yếu và thiếu cả về chuyên môn nghiệp vụ, lẫn năng lực quản lý, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, không ổn định. Chế độ chính sách cho đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm đúng mức.
 
Nguồn kinh phí cho Dự án 4 so với đề xuất của Bộ TT&TT để thực hiện các mục tiêu của Dự án còn rất thấp, nhiều nội dung kế hoạch bố trí không đủ thực hiện các mục tiêu; do đó, nếu không được ngân sách TW và các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, thì đến năm 2020 sẽ khó đạt được mục tiêu của Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước thực tế trên, Bộ TT&TT kiến nghị, đề xuất với Ban Dân vận TW một số nội dung cụ thể:
 
 Về thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới: Để đảm bảo nhiệm vụ đạt 95% số xã đạt tiêu chí số 8 vào năm 2020, hoàn thành việc xóa trắng các xã chưa có đài truyền thành, Bộ TT&TT đề nghị Ban Dân vận TW hỗ trợ, có ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ thực hiện nội dung “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở”.
 
Về thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững: Trong quá trình đề xuất, xây dựng công tác dân vận, đề nghị Ban Dân vận TW xem xét, đề xuất với Chính phủ quan tâm bố trí tăng vốn ngân sách TW cho Dự án 4 để tăng cường hỗ trợ các địa phương chưa cân đối được ngân sách, tạo điều kiện cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án số 4.
 
Đồng thời, đề nghị Ban Dân vận TW phối hợp với Bộ TT&TT hướng dẫn các cơ quan tham gia thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về thông tin và truyền thông của chương trình trong việc thực hiện công tác dân vận để phát huy hơn nữa hiệu quả của hoạt động thông tin và truyền thông./.
Ngô Đăng Quý
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top