Khi người nghèo "tích tiểu thành đại"

Thứ ba, 19/09/2017 16:01

Chỉ với 10 nghìn đồng, người nghèo cũng có thể tham gia gửi tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVVV). Việc người nghèo tại tỉnh Hà Tĩnh gửi tiền tiết kiệm với những khoản nhỏ, thông qua các Tổ TKVVV bước đầu đã tạo cho họ có ý thức dành dụm để tự tạo lập vốn và quen dần với hoạt động tài chính; đồng thời giúp họ có thêm cơ hội bảo đảm trả nợ đối với khoản vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

20170918-m08.JPG

Chị Nguyễn Thị Thơm (ngồi giữa), Tổ trưởng Tổ TKVVV xóm Trung Tâm, xã Ngọc Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) nhận tiền gửi của các tổ viên.

Hiện gần 100% Tổ TKVVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành nhận tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của tổ viên với tổng số tiền hơn 111 tỷ đồng. Kết quả này chưa phải là lớn nhưng khẳng định chủ trương huy động tiết kiệm đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của phần lớn người nghèo và các đối tượng chính sách vì sự phát triển của chính mình và cộng đồng.

Huyện Thạch Hà là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chương trình nhận tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ TKVVV. Ðến nay, việc gửi tiền tiết kiệm hằng tháng đã trở thành nếp, số dư không ngừng tăng lên. Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà) Dương Thị Lĩnh cho biết: Các thành viên của Tổ trên địa bàn xã đã thực hiện gửi tiền tiết kiệm. Hằng tháng, những hộ nghèo và các đối tượng chính sách tham gia gửi tiền tiết kiệm định kỳ 10.000 đến 20.000 đồng/hộ, các hộ khá hơn gửi 50.000 đến 100.000 đồng. Việc huy động tiền gửi tại Tổ giúp cho các tổ viên rút ngắn được thời gian giao dịch. Các tổ viên có thể tranh thủ gửi vào buổi tối hoặc trong giờ nghỉ trưa, số tiền gửi ít nên ngay cả những người nghèo cũng có thể tham gia tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Vì vậy, đến nay các thành viên trong Tổ TKVVV trên địa bàn xã đều có một khoản tích lũy tương đối để trả gốc, lãi cho ngân hàng.

Theo Tổ trưởng TKVVV xóm Trung Tâm (xã Ngọc Sơn) Nguyễn Thị Thơm, khi có chủ trương huy động tiết kiệm thông qua Tổ TKVVV, Ban quản lý Tổ đã họp bàn và phổ biến tới các tổ viên để triển khai. Ngay từ đầu đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của tổ viên. Số tiền tiết kiệm tùy thuộc vào điều kiện từng người. Bên cạnh đó, Ban quản lý đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ viên phát triển sản xuất, kinh doanh một cách phù hợp để phát huy hiệu quả đồng vốn vay. Hằng tháng, Ban quản lý nhận xét, đánh giá, phân loại các tổ viên theo thứ tự để làm cơ sở bình xét cho vay thêm vốn đối với các hộ sản xuất, kinh doanh đúng mục đích, đạt hiệu quả cao và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp lãi, trả nợ đúng kỳ hạn cho NHCSXH. Tổ TKVVV xóm Trung Tâm hiện có dư nợ hơn 1,6 tỷ đồng, số dư tiền gửi tiết kiệm đạt gần 32 triệu đồng.

Nhờ ý thức tiết kiệm và trả nợ của người dân ngày càng được nâng cao, Thạch Hà là địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chỉ ở mức 0,06%/tổng dư nợ. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 416 tỷ đồng, tổng tiền gửi tiết kiệm qua Tổ TKVVV gần 12 tỷ đồng. Nguồn tiền tiết kiệm của người nghèo và các đối tượng chính sách góp phần nâng mức cho vay, giúp người vay chủ động hơn trong việc trả nợ ngân hàng, hạn chế một phần rủi ro tín dụng. Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh kiêm Giám đốc NHCSXH huyện Thạch Hà Bùi Thị Ngọc Hà, thời gian đầu triển khai thực hiện chương trình, các đơn vị cũng gặp khá nhiều khó khăn do nhận thức, thói quen của hộ nghèo về tiết kiệm còn hạn chế, không mặn mà tham gia. Bởi vậy, ngân hàng đã phối hợp các tổ chức hội, đoàn thể được ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người vay bằng nhiều hình thức như tiếp cận trực tiếp người vay; gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ, phổ biến các chính sách mới đến các tổ trưởng TKVVV ngay tại các buổi trực giao dịch tại xã.

Bên cạnh đó, ngân hàng cử cán bộ phụ trách xã về dự các buổi họp thôn xóm, họp tổ để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ bí thư, xóm trưởng; giải đáp kịp thời thắc mắc của người dân về các chủ trương, chính sách liên quan hoạt động tín dụng chính sách. Tuyên truyền, vận động để người vay hiểu rõ về việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TKVVV được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và công khai.

Việc triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm được NHCSXH huyện tiến hành song song với công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TKVVV. Sự phối hợp hiệu quả giữa NHCSXH huyện và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong việc huy động tiền gửi tiết kiệm. Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả việc huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ TKVVV, các đơn vị nhận ủy thác cũng cần nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến đến người nghèo và các đối tượng chính sách về chủ trương huy động tiết kiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ TKVVV; cán bộ hội, cán bộ Tổ cần hướng dẫn cụ thể, để tổ viên tự bàn bạc, thống nhất mức tiền gửi tiết kiệm hằng tháng; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ TKVVV, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo được thực hiện sâu, rộng và ngày càng hiệu quả./.
Trần Giáp
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top