Hà Giang tạo đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin

Thứ tư, 24/05/2017 08:45

Tỉnh Hà Giang vừa hoàn thành việc đầu tư, lắp đặt hệ thống truyền hình trực tuyến đến các xã, thị trấn. Đây là bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đồng thời là bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, hạn chế đến mức thấp nhất các hội nghị tập trung có quy mô lớn.

20170524-m01.jpg
 
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công TP Hà Giang.
 
Tất cả các xã có điểm cầu hội nghị trực tuyến

Sáng 18-5, ông Nguyễn Văn Phương, Bí thư Chi bộ thôn Khiếu, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên dậy từ rất sớm, để đi dự hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Dự hội nghị T.Ư, nhưng ông Phương không phải về Hà Nội, mà đến phòng họp trực tuyến hội trường trụ sở UBND xã Đạo Đức.

Trước kia, cán bộ thôn như ông Phương chỉ dự hội nghị ở xã, huyện, nhưng nay, nhờ có hệ thống họp trực tuyến liên thông bốn cấp (T.Ư, tỉnh, huyện, xã), cho nên cán bộ cấp thôn được dự nhiều hội nghị do T.Ư và tỉnh tổ chức. “Hội nghị hôm nay, tôi nắm bắt những vấn đề cơ bản sau một năm thực hiện Chỉ thị 05 trên phạm vi cả nước, trực tiếp nghe ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo T.Ư, tham khảo những cách làm hay ở nhiều tỉnh, thành phố. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi khi triển khai Chỉ thị 05 tại cơ sở. Sau hội nghị, tôi thông báo ngay tinh thần của hội nghị đến các đồng chí đảng viên và nhân dân trong thôn”, ông Phương phấn khởi cho biết.

Sau khi có kế hoạch của Tỉnh ủy Hà Giang về việc kết nối hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết thực hiện Chỉ thị 05, Đảng bộ xã Đạo Đức đã mời hơn 50 đại biểu là cán bộ xã, thôn dự. Bí thư Đảng ủy xã Đạo Đức Lục Chí Việt cho biết, nếu tổ chức hội nghị theo hình thức truyền thống, cán bộ xã phải lên huyện tiếp thu, rồi về tổ chức họp triển khai đến toàn thể cán bộ xã, thôn. Nay có điểm cầu truyền hình trực tuyến, tất cả cán bộ xã, thôn, bản chỉ cần về trụ sở xã dự hội nghị, ai cũng trực tiếp nghe báo cáo từ T.Ư, nghe lãnh đạo T.Ư phát biểu chỉ đạo, cho nên nội dung hội nghị sẽ triển khai ngay đến các đồng chí đảng viên và nhân dân trong thời gian nhanh nhất.

Hà Giang là tỉnh vùng cao, địa bàn rộng, nhiều xã cách trung tâm huyện và tỉnh từ vài chục đến vài trăm cây số. Do đó, việc đi lại, ăn, nghỉ của cán bộ cơ sở khi lên huyện, tỉnh dự họp rất khó khăn, mỗi lần chi phí từ một đến cả chục triệu đồng. Không những thế, số lượng cán bộ xã, thôn đi dự hội nghị cũng rất hạn chế. Đầu năm 2017, Hà Giang đã chỉ đạo các huyện triển khai lắp đặt hệ thống hội nghị trực tuyến đến tất cả xã, phường, thị trấn. Các huyện chủ động nguồn kinh phí, hợp đồng với các tập đoàn viễn thông như VNPT, Viettel thực hiện lắp đặt hệ thống từ tỉnh đến xã, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả. Chỉ sau bốn tháng triển khai, tỉnh Hà Giang đã hoàn thành việc lắp đặt 213 điểm cầu trực tuyến, trong đó cấp xã có 192 điểm cầu, còn lại là điểm cầu cấp huyện, cấp tỉnh. Hà Giang là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thiện hệ thống trực tuyến đến xã.

Việc hoàn thành hệ thống hội nghị trực tuyến đến cấp xã có ý nghĩa trên nhiều phương diện. Đơn cử như hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, tỉnh Hà Giang kết nối trực tuyến từ T.Ư đến điểm cầu ở tỉnh, huyện, xã. Do đó, số đại biểu dự hội nghị lên đến hàng nghìn người, từ cán bộ cấp tỉnh cho đến thôn bản cùng dự. Sau hội nghị, Hà Giang sẽ tuyên truyền, triển khai ngay tinh thần của hội nghị đến đảng viên, nhân dân mà không phải qua các bước triển khai từng cấp như trước kia. Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, qua thời gian vận hành, đã thấy rõ hiệu quả của hệ thống hội nghị trực tuyến liên thông từ T.Ư đến cấp xã, đó là tiết kiệm được nguồn ngân sách của Nhà nước, của cán bộ do không mất chi phí đi lại, ăn nghỉ; rút ngắn thời gian triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; số lượng cán bộ tham gia hội nghị đông hơn và đặc biệt, đội ngũ cán bộ thôn, bản được trực tiếp dự hội nghị do tỉnh, T.Ư tổ chức nên có sự thống nhất cao về nhận thức, quan điểm.

Hiệu quả từ khâu đột phá ứng dụng CNTT

Đầu nhiệm kỳ 2011 - 2015, Tỉnh ủy Hà Giang xác định, việc chậm ứng dụng CNTT là một trong những “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Do đó, tỉnh đã tập trung tháo “điểm nghẽn” đó bằng những bước đi cụ thể, chắc chắn, phù hợp điều kiện thực tế.

Từ điểm xuất phát thấp, ngay trong năm 2011, tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác các tập đoàn viễn thông lớn là VNPT, Viettel để cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin. Sau khi các tập đoàn viễn thông đầu tư, nguồn lực xây dựng hạ tầng CNTT, đầu tiên là lắp đặt hệ thống cáp quang đến tất cả xã, phường, tỉnh tiếp tục phối hợp các tập đoàn này triển khai nhiều ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước. Đến nay, tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc liên thông bốn cấp VNPT Ioffice (T.Ư, tỉnh, huyện, xã) có tích hợp chữ ký số chuyên dụng đến tất cả cơ quan hành chính nhà nước, với gần 19 nghìn lượt người dùng được khai báo trên hệ thống. Mỗi ngày, hơn 3.300 văn bản được phát hành liên thông giữa các đơn vị. Tỉnh cũng triển khai dịch vụ công trực tuyến kết nối hệ thống một cửa điện tử liên thông của các cơ quan, các cấp, các ngành trên địa bàn, tất cả bộ thủ tục hành chính được thực hiện qua mạng; ngay trong những tháng đầu năm 2017, có hơn 40 doanh nghiệp được thành lập qua mạng.

Trong ứng dụng CNTT, Hà Giang đã duy trì, vận hành hiệu quả hệ thống thư điện tử công vụ với hơn 13 nghìn hộp thư, trong đó nổi bật là sớm công bố địa chỉ thư công vụ của lãnh đạo tỉnh trên hệ thống, việc làm này tạo sự tương tác, mối quan hệ gần gũi giữa lãnh đạo tỉnh và người dân, nhiều vấn đề nổi cộm ở cơ sở được giải quyết thông qua hòm thư công vụ. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh chia sẻ: “Mỗi tháng tôi nhận, xử lý khoảng 100 thư từ cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đó là tiếng nói từ cơ sở, sát thực, thẳng thắn, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình để thực hiện tốt hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Thí dụ, từ hòm thư công vụ, tôi đã nắm bắt tình trạng phá rừng ở nhiều nơi, trong đó có rừng nghiến ở xã Phong Quang (huyện Vị Xuyên), nắm bắt tình trạng buôn lậu quặng qua biên giới tại huyện Quản Bạ, qua đó trực tiếp cá nhân tôi và các lực lượng chức năng giải quyết”.

Như vậy, việc lắp đặt hệ thống trực tuyến đến xã là kết quả nổi bật, nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều kết quả trong ứng dụng CNTT ở Hà Giang. Năm 2011, Hà Giang đứng áp chót trên bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - TT (Vietnam ICT Index) đối với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến năm 2016, Hà Giang đã vượt lên xếp vị trí 16. Bài học kinh nghiệm của Hà Giang trong ứng dụng CNTT được thể hiện ở nhiều khía cạnh, tỉnh đã đánh giá đúng tiềm năng, thực trạng việc ứng dụng CNTT, từ đó đặt nó là nhiệm vụ trung tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa 16 đã lựa chọn khâu đột phá là đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

Bên cạnh đó, tỉnh ban hành, triển khai các chính sách, nghị quyết đặc thù đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT. Cụ thể như Nghị quyết 139 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan, tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn. Theo chính sách của tỉnh, tất cả cán bộ chuyên trách CNTT đều được hưởng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hằng tháng, trong đó người có bằng chuyên môn CNTT sau đại học được hưởng hệ số 1,0; người có bằng chuyên môn CNTT đại học hưởng hệ số 0,8; bằng chuyên môn CNTT cao đẳng hưởng hệ số 0,6 và trung cấp là 0,4. Từ chính sách đặc thù nêu trên, tỉnh đã thu hút được nguồn nhân lực có trình độ vào các cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Toàn tỉnh hiện có 176 cán bộ chuyên trách CNTT, mỗi sở, ban, ngành cấp tỉnh có ít nhất một cán bộ; các huyện, thành phố thành lập trung tâm CNTT và có từ hai cán bộ trở lên. Hằng năm, Trung tâm CNTT Hà Giang còn phối hợp các cơ quan, các huyện, thành phố bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ về kỹ năng sử dụng các ứng dụng CNTT mới cập nhật.

Về nguồn lực đầu tư, tỉnh chủ động ký kết thỏa thuận hợp tác và nhận được sự giúp đỡ từ các tập đoàn viễn thông trong nước. Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc VNPT Hà Giang cho biết, là đơn vị viễn thông đóng trên địa bàn, chúng tôi xác định nhiệm vụ kinh doanh gắn liền với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Do đó, chúng tôi đã hỗ trợ tỉnh triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể như việc lắp đặt hệ thống hội nghị trực tuyến đến cấp xã, ngoài việc giãn thời gian trả kinh phí lắp đặt, chúng tôi có chính sách hỗ trợ phí vận hành tại các điểm cầu chỉ bằng 1/10 (500 nghìn đồng/tháng) so với phí vận hành thực tế.

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang, thành công trong ứng dụng CNTT xuất phát từ nhận thức, vai trò của người đứng đầu. Từ các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp đều thể hiện quyết tâm rất cao, quan trọng hơn là gương mẫu sử dụng các ứng dụng CNTT hiệu quả trong công việc.
Bài và ảnh: Khánh Toàn (Báo Nhân Dân)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top