Tổng hợp trả lời kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2016 (dự thảo)

Thứ năm, 22/12/2016 16:31

Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo tổng hợp và trả lời 85 kiến nghị, đề xuất của các Sở TTTT qua Báo cáo quản lý nhà nước định kỳ của các Sở. Cổng thông tin điện tử Bộ TTTT trân trọng đăng tải tổng hợp nội dung trả lời kiến nghị nêu trên. Bộ sẽ tiếp tục tổng hợp, cập nhật và trả lời kiến nghị của các Sở trong thời gian tới.

I. Lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại

Câu hỏi 1: Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) sớm kiến nghị Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc để các địa phương làm căn cứ xây dựng Quy hoạch trên địa bàn tỉnh (Tây Ninh).
Trả lời:
          Để báo chí phát triển, làm tốt chức năng, nhiệm vụ và phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Bộ Thông tin truyền thông đã xây dựng dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. 
Thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01/6/2015 của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6663/VPCP-KGVX ngày 24/8/2015, văn bản số 7658/VPCP-KGVX ngày 24/9/2015 của Văn phòng Chính phủ, ngày 25/9/2015, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị Phổ biến nội dung cơ bản của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tại Hà Nội và đề nghị các cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch gửi Bộ TTTT trước ngày 20/10/2015 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau hội nghị, Bộ đã tổ chức triển khai thực hiện nội dung Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 đã được Bộ Chính trị đồng ý. Qua việc thực hiện, Bộ TTTT đã có văn bản số 88/BC-BTTTT ngày 02/11/2015 và văn bản số 74/BC-BTTTT ngày 06/10/2016 báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện đề án quy hoạch.
 
Câu hỏi 2: Đề nghị điều chỉnh mức xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan báo chí theo hình thức tỷ lệ báo phát hành hoặc số lần (cao hơn) hợp đồng quảng cáo để ngăn ngừa vi phạm trong quảng cáo sai sự thật làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, người dân và doanh nghiệp. Hình thức mức xử phạt cao nhất đối với cơ quan báo chí hiện nay là không đáp ứng với phát triển. Đồng thời, cũng cần lưu ý về hình thức xử phạt đối với cơ quan chủ quản báo chí khi cơ quan báo chí sai phạm nhằm gắn trách nhiệm để công tác quản lý chặt chẽ hơn (Bình Thuận).
Trả lời:
          Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan báo chí vi phạm về quảng cáo được quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được cơ quan chức năng thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Mức phạt áp dụng được tính dựa trên tình hình chung của các cơ quan báo chí, không tính riêng cho từng trường hợp đơn lẻ. Tỷ lệ báo phát hành là yếu tố đã được cơ quan chức năng xem xét để xác định mức phạt tăng nặng hoặc giảm nhẹ đối với hành vi theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Việc các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương và địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ, sớm phát hiện và xử lý hành vi vi phạm là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa vi phạm của các cơ quan báo chí. Theo quy định pháp luật, cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, quảng cáo không đúng quy định pháp luật thì sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định, cơ quan chủ quản không bị xử phạt mà chỉ bị xem xét trách nhiệm đối với hoạt động của cơ quan báo chí sai phạm. Bộ TTTT nhận thấy, để ngăn chặn sai phạm của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của mình đối với hoạt động của cơ quan báo chí.
 
Câu hỏi 3: Rà soát bãi bỏ kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp lĩnh vực báo chí (Hà Nam, Hải Dương).
Trả lời:
          Từ ngày 01/01/2017, Luật Báo chí 2016 có hiệu lực thi hành. Bộ TTTT đang khẩn trương triển khai công tác soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, hết hiệu lực được quy định tại điều khoản chuyển tiếp của các văn bản nêu trên.
 
Câu hỏi 4: Đề nghị Bộ chấn chỉnh việc cử phóng viên thường trú của các báo, vì hiện tại có tình trạng nhiều cơ quan báo chí cử phóng viên hoạt động trên địa bàn tỉnh không đảm bảo đúng chuẩn theo quy định của Bộ, nhất là cử phóng viên không có Thẻ Nhà báo (Quảng Trị).
Trả lời:
          Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2008 hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí. Điểm c, khoản 4, mục II Thông tư quy định rõ: "Cơ quan đại diện, phóng viên thường trú chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan báo chí và chịu sự quản lý nhà nước về báo chí của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương nơi đặt cơ quan đại diện, cử phóng viên thường trú".
          Sở TTTT các địa phương căn cứ thẩm quyền để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí nói chung và quản lý hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí trên địa bàn theo quy định. Mặt khác, ngày 20/11/2014, Bộ TTTT đã có văn bản số 3373/BTTTT-VP yêu cầu Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí.
 
Câu hỏi 5: Kính đề nghị Bộ hướng dẫn, giải thích cụ thể hơn về điều kiện áp dụng Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản (Gia Lai).
Trả lời:
Hoạt động nghề nghiệp của nhà báo được quy định tại Điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Tổ chức, cá nhân cản trở trái pháp luật nhà báo, phóng viên thực hiện quyền được nêu tại Điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-CP bị áp dụng hình thức xử lý quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP.
 
Câu hỏi 6: Bộ TTTT sớm phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn mức thu phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng (hiện nay theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành các loại phí và lệ phí ở địa phương vẫn chưa có nội dung này); bao gồm cả việc thu phí cấp mới, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Trong quá trình thẩm định các điều kiện hoạt động nguồn kinh phí của các địa phương còn hạn hẹp chưa đảm bảo kinh phí cho cán bộ, công chức thực hiện (Tây Ninh, Kiên Giang, Bình Thuận, Bình Phước, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Vĩnh Long).
Trả lời:
Bộ TTTT đã đưa vào chương trình xây dựng Đề án và đã có Đề án đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 72 từ năm 2014. Bộ Tài chính đã tổng hợp vào dự thảo Luật Phí và lệ phí (đã ban hành 2015), nhưng với tinh thần cắt giảm tối đa những khoản thu phí, lệ phí có tính quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính, các cấp có thẩm quyền đã quyết định không đưa vào danh mục Phí, lệ phí khoản Lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
 
Câu hỏi 7: Cần có sự phối hợp tốt giữa cơ quan Trung ương và các Sở TTTT địa phương với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền trong việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền (Thừa Thiên Huế).
Trả lời:
Quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 và các Thông tư hướng dẫn (Thông tư số 18/2016/TT-BTTTT ngày 28/6/2016; Thông tư số 19/2016/TT-BTTTT ngày 30/6/2016; Thông tư số 24/2016/TT-BTTTT ngày 15/11/2016) đều đã có quy định trách nhiệm phối hợp của địa phương. Trong trường hợp có vướng mắc thì Sở TTTT trao đổi với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ TTTT bằng văn bản.
 
Câu hỏi 8: Tổ chức Hội nghị đánh giá hiệu quả, sự cần thiết của hệ thống truyền thanh cơ sở để các địa phương có cơ sở thực hiện đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền thanh trên địa bàn. Quan tâm bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng truyền thanh cơ sở, trạm Truyền thanh xã. Có cơ chế chính sách đối với cán bộ truyền thanh cơ sở để họ yên tâm, công tác ổn định, lâu dài (Lâm Đồng, Khánh Hòa).
Trả lời:
- Đối với đề xuất tổ chức Hội nghị đánh giá hiệu quả, sự cần thiết của hệ thống truyền thanh cơ sở:Tiếp thu ý kiến của các địa phương, năm 2017, Bộ TTTT dự kiến tổ chức 03 hội nghị trên toàn quốc tập trung vào nội dung cụ thể sau:
+ Phổ biến Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương chủ động xây dựng quy chế hoạt động của các đài truyền thanh phù hợp với đặc điểm riêng có của từng địa phương mà vẫn bảo đảm các yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu của hệ thống và đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân trên địa bàn.
+ Bên cạnh đó, để có cơ sở cho việc xây dựng đề án “Phát triển hệ thống đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện” Bộ TTTT giao Vụ Thông tin cơ sở tổ chức Hội nghị đánh giá hiệu quả, sự cần thiết của hệ thống truyền thanh cơ sở. Đề nghị các Sở tham dự đầy đủ và chuẩn bị ý kiến tham luận tại Hội nghị.
- Về hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông nói chung và hệ thống đài truyền thanh xã nói riêng: Theo quy định tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg và Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg, Bộ TTTT có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình cả giai đoạn và phương án phân bổ vốn hàng năm gửi Bộ NN&PTNT tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, căn cứ đề xuất nhu cầu của các địa phương và khả năng cân đối của NSNN, Bộ TTTT sẽ xây dựng phương án kế hoạch, kinh phí thực hiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó, đối với năm 2017, Bộ TTTT đã đề nghị cấp có thẩm quyền ưu tiên phân bổ vốn để thực hiện mục tiêu đầu tư, nâng cấp các đài truyền thanh xã.
 
Câu hỏi 9: Bộ TTTT phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền, cổ động trực quan (Hải Dương).
Trả lời:
Hiện nay, Bộ TTTT đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TTTT. Sau khi Nghị định được Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực thi hành, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện hoạt động thông tin cơ sở trong phạm vi quản lý nhà nước được quy định.
 
Câu hỏi 10: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn công tác hoạt động thông tin đối ngoại và hoạt động của Ban Chỉ đạo các địa phương. Hỗ trợ địa phương trong việc triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại. Cần có quy định cụ thể về việc địa phương (tỉnh) thực hiện tuyên truyền thông tin đối ngoại trên sóng truyền hình quốc gia để địa phương thực hiện đúng yêu cầu (Tây Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Bình Thuận).
Trả lời:
Bộ TTTT đã ban hành văn bản số 4544/BTTTT-TTĐN ngày 22/12/2016 về việc triển khai một số nội dung thông tin đối ngoại năm 2017 gửi các cơ quan báo chí, trong đó có nội dung về tuyên truyền thông tin đối ngoại trên phương tiện phát thanh truyền hình, các địa phương cần chủ động phối hợp với các đài truyền hình Trung ương tuyên truyền thông tin đối ngoại, quảng bá về địa phương trên sóng truyền hình quốc gia.
 
Câu hỏi 11: Về tăng cường phát triển đầu tư các cụm Thông tin đối ngoại tại các cửa khẩu: Bộ TTTT tiếp tục quan tâm có chủ trương, kế hoạch đầu tư các Cụm Thông tin đối ngoại tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay và Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Quan tâm, xem xét đầu tư, xây dựng cụm Pano điện tử tuyên truyền thông tin đối ngoại tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum (Quảng Trị, Kon Tum).
Trả lời:
Bộ TTTT đã chỉ đạo Cục Thông tin đối ngoại phối hợp với Ban Quản lý dự án Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ căn cứ nguồn vốn được bố trí hàng năm để đề xuất lãnh đạo Bộ phê duyệt. Mặt khác, về danh mục địa điểm, Bộ xây dựng quy hoạch các cụm Thông tin đối ngoại tại các cửa khẩu cảng biển, hàng không, đường sắt quốc tế để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Câu hỏi 12: Đề nghị Bộ TTTT tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại tại địa phương (Gia Lai).
 Trả lời:
Trong tháng 12/2016, Bộ TTTT đã tổ chức 02 Hội nghị triển khai Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tập huấn công tác tuyên truyền biển đảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ Thông tư số 22/2016/TT-BTTTT hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; văn bản số 3737/BTTTT-TTĐN ngày 25/10/2016 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2017 của Bộ TTTT, đề nghị Sở TTTT đưa nội dung tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu công tác thông tin đối ngoại vào Kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại của Gia Lai năm 2017, Bộ sẽ phối hợp triển khai khi có đề nghị của tỉnh.
 
II. Lĩnh vực xuất bản, in, phát hành
Câu hỏi 13: Bộ TTTT xem xét tổ chức Hội Sách tại thành phố Hà Nội vào dịp Ngày Sách Việt Nam (21/4) hằng năm, tạo điều kiện để Sở TTTT Hà Nội tham mưu cho UBND Thành phố tổ chức hiệu quả Hội Sách Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) (Hà Nội).
Trả lời:
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trì, tổ chức Ngày sách Việt Nam, trong 3 năm qua, Bộ TTTT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch và tổ chức thành công các Hội sách và các chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. Với đề nghị của Sở TTTT Hà Nội, Bộ đã điều chỉnh thời gian tổ chức Triển lãm - Hội chợ Sách Quốc tế - Việt Nam cho phù hợp với thời gian để Hà Nội tổ chức Hội sách chào mừng kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô theo năm chẵn.
Bộ TTTT khuyến khích các cơ quan, tổ chức, địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội sách thường xuyên trong năm nhằm đẩy mạnh phong trào đọc sách, tạo cầu nối để đưa sách đến bạn đọc.
 
Câu hỏi 14: Đề nghị Bộ TTTT phối hợp với thành phố Hà Nội tập trung tổ chức gian hàng Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt - Hội chợ sách lớn nhất thế giới - để đảm bảo nâng cao chất lượng, quy mô và hiệu quả khi tham gia, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực xuất bản, quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước (Hà Nội).
Trả lời:
Việc tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sách tại các Hội chợ sách quốc tế là một kênh thực hiện chiến lược quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài, thực hiện công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước.Trong nhiều năm qua, Bộ đã triển khai hiệu quả, được bạn bè quốc tế đón nhận.Ngoài việc trưng bày, giới thiệu sách, Hội chợ sách còn là nơi đẩy mạnh việc thông tin, giới thiệu về hoạt động xuất bản của Việt Nam ra nước ngoài. Đây là một nhiệm vụ được giao cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện với sự tham gia của các đơn vị trong và ngoài ngành, nhất là đối với các đơn vị có quy mô nhỏ.
 
Câu hỏi 15: Rà soát bãi bỏ kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp lĩnh vực xuất bản (Hà Nam).
Trả lời:
Sau khi Luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có hiệu lực thực hiện, tại các văn bản này đã quy định hết hiệu lực đối với các văn bản được ban hành với căn cứ là Luật Xuất bản năm 2004, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008. Hiện nay, Bộ TTTT đã hoàn tất các thủ tục lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan để lập kế hoạch đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 quy định về hoạt động in.
 
Câu hỏi 16: Sớm ban hành quy định, hướng dẫn chi tiết lộ trình di dời ra ngoài khu dân cư đối với từng loại cơ sở in theo quy định tại Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, để các Sở TTTT có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc di dời và tập trung các cơ sở in vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại địa phương theo Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (Khánh Hòa).
Trả lời:
Hiện nay, theo quy định của pháp luật về xuất bản, các Sở TTTT đang triển khai việc đăng ký hoạt động in. Sau khi Bộ TTTT có số liệu tổng hợp chung sẽ chỉ đạo các cơ quan có chức năng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai việc này. Trong thời gian chưa có quy định cụ thể về lộ trình di dời, đề nghị Sở TTTT căn cứ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in.
 
Câu hỏi 17: Hướng dẫn triển khai thực hiện phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động của các cơ sở in thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TTTT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 (Khánh Hòa).
Trả lời:
Ngày 08/12/2016, Bộ TTTT đã có công văn số 1148/CXBIPH-QLI gửi Sở TTTT các tỉnh, thành phố hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động của các cơ sở in.
 
III. Lĩnh vực bưu chính
Câu hỏi 18: Nghiên cứu, xây dựng bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ dịch vụ bưu chính, các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã để doanh nghiệp đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh và phục vụ công ích. Chỉ đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam quy hoạch lại và có chính sách hỗ trợ hoạt động của các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã (Sóc Trăng,Đồng Tháp, Lai Châu).
Trả lời:
Về việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý, hỗ trợ đối với việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích: Việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích là một nhiệm vụ khó khăn được Nhà nước giao cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện. Sau giai đoạn 2008-2013, Nhà nước chấm dứt cơ chế hỗ trợ bằng tiền. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện được tốt nghĩa vụ này, đáp ứng nhu cầu thông tin bưu chính tối thiểu của người dân, Nhà nước đã có những cơ chế hỗ trợ khác cho VNPost thông qua các cơ chế, chính sách khác phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của từng giai đoạn (ưu đãi về thuế, chính sách sử dụng đất đai...). Cụ thể: Ngày 24/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2015/QĐ-TTg quy định về cung ứng dịch vụ công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí. Trên cơ sở Quyết định này, ngày 31/8/2016, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 20/2016/TT-BTTTT hướng dẫn chi tiết thi hành Quyết định nói trên. Có thể nói, đây là văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở cho hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ bưu chính công ích của doanh nghiệp. Ngoài ra, để doanh nghiệp tận dụng tối đa năng lực mạng lưới sẵn có, ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg quy định về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây là một sở cứ pháp lý quan trọng giúp cho doanh nghiệp chính thức được tham gia vào các công đoạn như tiếp nhận, phát trả các hồ sơ, thủ tục hành chính công của các cơ quan quản lý Nhà nước, mang lại hiệu quả hoạt động thiết thực cho doanh nghiệp.
- Về việc chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam rà soát, quy hoạch lại và có chính sách hỗ trợ hoạt động của cácĐiểm Bưu điện –Văn hóa xã: Điểm Bưu điện –Văn hóa xã là mô hình điểm phục vụ bưu chính đặc biệt thuộc mạng bưu chính công cộng được Nhà nước giao cho VNPost khai thác và quản lý. Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Điểm Bưu điện –Văn hóa xã, ngày 24/9/2013, Bộ TTTT đã có Công văn số 2801/BTTTT-BC chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện tổng rà soát, quy hoạch hệ thống Điểm Bưu điện – Văn hóa xã trên toàn quốc. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, có chính sách đầu tư kinh doanh, đào tạo cũng như xây dựng chế độ đãi ngộ thích hợp cho người lao động tại các điểm Bưu điện - Điểm Bưu điện –Văn hóa xã. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ TTTT, ngày 08/3/2014 Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã có Chỉ thị số 03/CT-BĐVN về việc Triển khai chiến dịch đổi mới hoạt động tại Điểm Bưu Điện –Văn hóa xã trên toàn quốc.
Đến nay, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã rà soát và cải tạo sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng 5.628 Điểm Bưu điện –Văn hóa xã (chiếm hơn 70% tổng số Điểm Bưu điện –Văn hóa xã trên toàn quốc) với tổng số vốn đầu tư hơn 140 tỷ đồng. Triển khai mô hình kinh doanh đa dịch vụ tại gần 2.000 Điểm Bưu điện –Văn hóa xã nhằm tăng doanh thu, giảm bù lỗ cho loại hình điểm phục vụ này. Tăng cường công tác đào tạo, kỹ năng bán hàng cho nhân viên làm việc tại Điểm Bưu Điện –Văn hóa xã. 100% nhân viên được trang bị đồng phục theo nhận diện thương hiệu. Ngoài thù lao cố định, nhân viên tại các Điểm Bưu Điện –Văn hóa xã được hưởng % hoa hồng cung cấp các sản phẩm dịch vụ. Cho đến thời điểm này thù lao bình quân đạt: 1.588.243 đồng/người/tháng. Nhiều điểm thu nhập của nhân viên đạt từ 5-7 triệu đồng/tháng từ việc tham gia phát triển dịch vụ. Từ 01/01/2015, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ 50% chi phí đóng BHXH tự nguyện cho nhân viên Điểm Bưu Điện –Văn hóa xã.
 
Câu hỏi 19: Tại Khoản 1, Điều 26 Luật Bưu chính quy định các trường hợp không cần giấy phép bưu chính, không cần thông báo hoạt động: “cá nhân nhận, vận chuyển và phát thư, gói, kiện hàng hóa trên cơ sở tự thỏa thuận với người gửi mà không lấy tiền công với số lượng bưu gửi tối đa theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính”. Đề nghị Bộ TTTT hướng dẫn số lượng bưu gửi tối đa để Sở TTTT có sở cứ trong quá trình thanh, kiểm tra (Hà Nội).
Trả lời:
Bộ TTTT ghi nhận kiến nghị nêu trên của Sở TTTT Hà Nội. Trong thời gian tới, Bộ sẽ sớm tiến hành khảo sát, đánh giá để có sở cứ quy định, hướng dẫn cụ thể về các trường hợp không cần giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bưu chính.
 
Câu hỏi 20: Trên địa bàn thành phố Hà Nội tồn tại một số doanh nghiệp chỉ tham gia vận chuyển thư, gói, kiện. Để quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp này, đề nghị Bộ TTTT có văn bản hướng dẫn (Hà Nội).
- Phối hợp Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản hướng dẫn quản lý đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa có nhận chuyển tiền, tài liệu, kiện hàng,... ( Đồng Tháp).
Trả lời:
Theo thống kê việc cấp phép của Bộ TTTT từ năm 2007 đến nay, hiện có hơn 20 doanh nghiệp vận tải đã được Bộ cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, trong đó có nhiều doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn trong lĩnh vực vận tải như Hoàng Long, Việt Đức, Bus Hải Phòng, Vận tải Sài Gòn…Theo đó, khi doanh nghiệp vận tải có nhu cầu tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính (chuyển phát trước đây) thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép bưu chính (nếu cung ứng dịch vụ thư quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật bưu chính) và thủ tục thông báo hoạt động bưu chính (nếu tiến hành các hoạt động bưu chính quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính) với cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính. Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp bưu chính cũng như doanh nghiệp vận tải kinh doanh dịch vụ bưu chính khi tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính đều phải tuân thủ, thực hiện nghiêm túc pháp luật về bưu chính cũng như pháp luật có liên quan khác.
Đối với đề nghị Bộ TTTT phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải có hướng dẫn quản lý dịch vụ chuyển phát đối với các doanh nghiệp vận tải có kinh doanh dịch vụ chuyển phát: Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ xem xét, đánh giá nhu cầu, mức độ cần thiết của việc xem xét ban hành (hoặc phối hợp ban hành) văn bản có liên quan đến các doanh nghiệp vận tải tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính.
 
Câu hỏi 21: Đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xem xét về tên gọi và phương thức hoạt động của Điểm Bưu điện - Văn hóa xã để phù hợp với mô hình quận vì hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội một số huyện đã chuyển đổi thành quận (Hà Nội).
Trả lời:
Kể từ năm 1998, Điểm Bưu điện - Văn hóa xã đã trở thành một thương hiệu thân thuộc và gần gũi với người dân tại các vùng nông thôn. Đây là mô hình điểm phục vụ bưu chính đặc biệt thuộc mạng bưu chính công cộng, được Nhà nước giao cho VNPost khai thác và quản lý. Cho đến nay, hệ thống Điểm Bưu Điện - Văn hóa xã đã và đang thực hiện tốt vai trò phục vụ công ích tại các vùng nông thôn, là nơi triển khai các chương trình, dự án, đề án của Nhà nước, các cơ quan bộ ngành có liên quan. Đặc biệt, thời gian gần đây, Điểm Bưu Điện - Văn hóa còn là nơi tham gia thực hiện cung ứng các dịch vụ hành chính công của các cơ quan quản lý nhà nước như chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội, tiếp nhận – phát - trả hồ sơ, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính.... một cách hiệu quả, được xã hội đánh giá cao.
Việc xem xét xem xét tiếp tục giữ nguyên mô hình là Điểm Bưu Điện –Văn hóa xã hay chuyển đổi thành điểm phục vụ khác (bưu cục) sẽ do doanh nghiệp quản lý (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) tự xem xét, quyết định cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng địa bàn cho phù hợp.
 
Câu hỏi 22: Đề nghị Bộ TTTT có kiến nghị với Bộ Tài chính cần quy định rõ hơn về việc thu phí thẩm định và lệ phí cấp văn bản xác nhận văn bản thông báo hoạt động bưu chính đối với trường hợp cấp lại và sửa đổi bổ sung văn bản xác nhận văn bản thông báo hoạt động bưu chính trong thông tư thay thế Thông tư 185/2013/TT-BTC (Quảng Nam).
Trả lời:
Nội dung thu phí thẩm định và lệ phí cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính đối với trường hợp cấp lại và sửa đổi bổ sung văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính đã được quy định tại Thông tư số 291/TT-BTC ngày 15/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện hoạt động bưu chính (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) và thay thế Thông tư số 185/2013/TT-BTC ngày 4/12/2013.
 
Câu hỏi 23: Đề nghị triển khai tổ chức các lớp tập huấn về lĩnh vực bưu chính cho các cán bộ Sở TTTT để nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước (Quảng Nam).
Trả lời:
Hàng năm, Bộ TTTT vẫn triển khai các lớp tập huấn về lĩnh vực bưu chính cho Sở TTTT và doanh nghiệp bưu chính theo kiến nghị, đề xuất cụ thể của các Sở TTTT cũng như theo kế hoạch tập huấn định kỳ của Bộ.
 
Câu hỏi 24: Xem xét, hướng dẫn cụ thể trong việc nhận gửi và phát đối với dịch vụ bưu chính công ích (như vào sổ theo dõi, gửi có ký gửi, phát có ký nhận…) tránh trường hợp chậm trễ, thất thoát khó truy cứu (Gia Lai).
Trả lời:
Theo các quy định của pháp luật về bưu chính hiện hành, phạm vi dịch vụ thư công ích là thư cơ bản (là dịch vụ thư không có các yếu tố làm tăng thêm giá trị của dịch vụ - khoản 9 Điều 3 Luật Bưu chính – tức là loại dịch vụ không được vào sổ theo dõi khi ký gửi hoặc ký nhận khi phát). Đối với loại dịch vụ này, doanh nghiệp chỉ vào sổ thống kê sản lượng bằng khối lượng thư nhận gửi (kg).
 
Câu hỏi 25: Hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý doanh nghiệp vận tải có tham gia hoạt động bưu chính, chuyển phát; việc dùng chung mạng lưới vận chuyển giữa các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhằm đảm bảo hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, tiết kiệm chi phí trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp (Gia Lai, Khánh Hòa).
Trả lời:
Trường hợp doanh nghiệp vận tải đăng kinh doanh ngành nghề bưu chính và tham gia thị trường cung ứng dịch vụ bưu chính (thư, gói kiện hàng hóa) để tận dụng hạ tầng và mạng lưới sau khi thực hiện thủ tục đề nghị và được cơ quan QLNN về bưu chính cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính thì việc quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về bưu chính hiện hành. Để thuận lợi trong công tác quản lý, Bộ TTTT khuyến nghị Sở TTTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét để phối hợp với các Sở liên quan trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương để đảm bảo việc thực thi pháp luật cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
 
IV. Lĩnh vực viễn thông, internet, tần số vô tuyến điện
Câu hỏi 26: Điều chỉnh quy định về báo cáo cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế phát triển viễn thông tại địa phương (Thái Nguyên).
Trả lời:
Căn cứ Luật Thống kê năm 2015 (Luật số 89/2015/QH13), Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Dự thảo Thông tư Quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành thông tin và truyền thông, theo đó Bộ sẽ ban hành Danh mục Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành thông tin và truyền thông. Sau khi Thông tư được ban hành sẽ tiến hành sửa đổi chế độ báo cáo thống kê tổng hợp về hoạt động thông tin và truyền thông (Thông tư số 25/2009/TT-BTTTT ngày 24/7/2009) để phù hợp với các quy định hiện hành.
 
Câu hỏi 27: Đề nghị sớm ban hành thông tư thay thế thông tư 16, 17, 18/2011/TT-BTTTT về công tác kiểm định trạm gốc điện thoại công cộng mặt đất nhằm bảo đảm quy trình, chất lượng cũng như công tác quản lý việc kiểm định trạm gốc điện thoại công cộng mặt đất (Quảng Nam).
Trả lời:
Bộ TTTT đang tích cực nghiên cứu, xây dựng các nội dung liên quan đến chính sách kiểm định trong thời gian tới, trong đó có các nội dung liên quan đến quy định tại Thông tư số 16, 17 và 18/2011/TT-BTTTT cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
 
Câu hỏi 28: Hỗ trợ phần mềm đo kiểm chất lượng dịch vụ internet và dịch vụ điện thoại cho các Sở nhằm chủ động trong công tác quản lý (Quảng Trị).
Trả lời:
Các phần mềm đo kiểm đối với dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông cố định mặt đất, dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông di động mặt đất, dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT-2000, dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất (sử dụng công nghệ FTTH/xPON, sử dụng công nghệ Modem cáp truyền hình và sử dụng công nghệ xDSL) là phần mềm nhúng trong thiết bị đo chuyên dụng, không thể tách rời ra khỏi thiết bị đo của các hãng cung cấp hoặc/và chỉ sử dụng nội bộ trong việc thực hiện thủ tục đo của các đơn vị có chức năng nhiệm vụ đo kiểm theo quy định của Bộ TTTT.
 
Câu hỏi 29: Trong quá trình triển khai, Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT ngày 13/4/2012 của Bộ TTTT về quản lý thuê bao di động trả trước còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế, đề nghị Bộ tham mưu sớm ban hành Nghị định hoặc Thông tư về quản lý thông tin thuê bao và thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối (Hà Nội).
Trả lời:
Thực hiện chương trình công tác của Chính phủ năm 2016, trong thời gian qua, Bộ TTTT đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện (dự thảo Nghị định) nhằm tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao (đặc biệt là thông tin thuê bao di động trả trước) cũng như quản lý việc cung cấp SIM. Dự thảo Nghị định đã được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, Sở TTTT, doanh nghiệp viễn thông và hiện Bộ TTTT đã hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ xem xét ban hành.
 
Câu hỏi 30: Khai thác hiệu quả hơn kho số viễn thông - một tài nguyên quan trọng của quốc gia qua việc bảo đảm một tỉ lệ sử dụng hợp lý và khống chế số SIM đối với mỗi cá nhân: mỗi người chỉ được quyền sở hữu, sử dụng không quá 02 (hai) SIM của một mạng (Đà Nẵng).
Trả lời:
Hiện nay, việc giới hạn SIM 1 cá nhân được đăng ký sử dụng đang được quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện, Bộ TTTT đã nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ xem xét đối với nội dung này. Bộ TTTT sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
 
Câu hỏi 31: Có văn bản hướng dẫn cụ thể về dùng chung hạ tầng mạng viễn thông, dùng chung hạ tầng viễn thông và liên ngành (Gia Lai).
Trả lời:
Các nguyên tắc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên ngành và sử dung chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được quy định tại Luật Viễn thông, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, Nghị định số 72/2012/NĐ-CP và các văn bản có liên quan (Thông tư số 21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT; Thông tư 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT).
Ngày 21/6/2013, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT hướng dẫn lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương (gọi tắt là Thông tư 14/2013). Thông tư 14/2013 giao Sở TTTT các tỉnh/thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương của các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng. Căn cứ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của UBND đã được phê duyệt và yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước tại địa phương, trong quá trình xem xét, thẩm định quy hoạch của các doanh nghiệp, Sở TTTT có thể yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông xây dựng, sử dụng chung hạ tầng viễn thông thụ động (như nếu trên cùng một tuyến đường, phố các doanh nghiệp đều đề xuất xây dựng công trình ngầm để lắp đặt cáp viễn thông thì trong quá trình thẩm định, Sở có thể yêu cầu các doanh nghiệp hợp tác, xây dựng một tuyến chung để cùng chia sẻ, sử dụng chung, …).
Việc dùng chung cơ sở hạ tầng mạng viễn thông tích cực (mạng, thiết bị viễn thông) giữa các doanh nghiệp viễn thông phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược, kế hoạch phát triển, các dự án đã đầu tư, sẽ đầu tư của từng doanh nghiệp và về nguyên tắc được thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận thương mại giữa các doanh nghiệp viễn thông. Bộ TTTT ghi nhận đề xuất của Sở để nghiên cứu, hướng dẫn chi tiết nội dung này (Điều 45 Luật Viễn thông).
 
Câu hỏi 32:Nghiên cứu, bổ sung hỗ trợ đầu thu cho đối tượng nhiễm chất độc màu da cam (Bắc Ninh).
Trả lời:
          Bộ TTTT sẽ xem xét vấn đề này trong thời gian tới khi điều chỉnh sửa đổi Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.
 
Câu hỏi 33: Về thực hiện Đề án số hóa truyền hình:
+ Đề nghị thay đổi cách thức tuyên truyền, nội dung tuyên truyền cho phù hợp, đưa vào phát trong các chương trình giờ vàng như chương trình thời sự lúc 19h.
+ Đề nghị Bộ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu thu số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để thu tín hiệu từ vệ tinh để xem các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị thiết yếu (áp dụng đối với khu vực dân cư không được phủ sóng truyền hình số mặt đất).
+ Đề nghị Bộ sớm hướng dẫn cho các Sở xây dựng chương trình triển khai cụ thể đối với từng nhiệm vụ và sản phẩm truyền thông theo từng năm (nội dung, mục đích, hình thức sản xuất, phân phối nội dung, dự toán kinh phí...).
+ Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm đề án số hóa thuộc nhóm 1 đã hoàn thành việc tắt phát sóng truyền hình tương tự. Tổ chức lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên về số hóa cho lãnh đạo, cán bộ làm công tác số hóa truyền hình ở các tỉnh, thành phố.
+ Hỗ trợ các tỉnh thuộc nhóm 3 (tắt truyền hình tương tự năm 2018) trong việc lựa chọn các đơn vị xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng tại các tỉnh, do đến nay chưa có đơn vị vào đặt vấn đề xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng với tỉnh (Quảng Trị).
Trả lời:
- Về đề nghị thay đổi cách thức tuyên truyền: Các nội dung tuyên truyền năm 2016 đều được hướng đến đối tượng là người dân, các nội dung tuyên truyền sẽ sử dụng các từ ngữ phù hợp gần gũi, dễ hiểu. Để đạt được hiệu quả tuyên truyền, Bộ TTTT đã có văn bản đề nghị địa phương phát sóng các chương trình tuyên truyền vào các khung giờ sáng, trưa, tối có nhiều người xem (tham khảo công văn số 4414/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 13/12/2016 gửi 8 tỉnh tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tăng cường công tác tuyên truyền số hóa tại địa phương).
- Về hỗ trợ đầu thu truyền hình qua vệ tinh: Ban Chỉ đạo Đề án số hóa đã phê duyệt về nguyên tắc kết hợp phủ sóng truyền hình qua vệ tinh với truyền hình số mặt đất. Theo quy định tại Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 24/07/2015 phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất hoặc vệ tinh nếu đã có máy thu hình tương tự và chưa sử dụng dịch vụ truyền hình số, cáp, IPTV.
- Về việc hướng dẫn triển khai kế hoạch thông tin tuyên truyền tại địa phương: Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương về vấn đề liên quan triển khai công tác thông tin, tuyên truyền giai đoạn 2016-2020.
- Tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo tại địa phương: Bộ TTTT đã ban hành Quyết định 1321/QĐ-BTTTT ngày 28/7/2016 về Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất giai đoạn 2016-2020, trong đó có nhiệm vụ tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ thông tin cơ sở (trưởng đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, cấp xã, phòng văn hóa và thông tin, tuyên truyền viên, cán bộ văn hóa - xã hội) của các tỉnh thuộc nhóm II, III, IV của Đề án số hóa truyền hình mặt đất và tổng kết công tác số hóa truyền hình. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ thông báo tới các địa phương kế hoạch triển khai cụ thể.
- Về hỗ trợ các tỉnh Nhóm III trong việc lựa chọn doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất: Tại khu vực Nam Trung Bộ, hiện nay chưa có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ thúc đẩy việc hình thành và cấp phép cho doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực Nam Trung Bộ và sẽ thông báo cho các địa phương trong khu vực.
 
Câu hỏi 34: Cho phép Đà Nẵng sớm triển khai các trạm phát lặp để phủ sóng truyền hình số cho các thôn Tà Lang, Giàn Bí và các vùng khác trên địa bàn còn lõm sóng truyền hình số (Đà Nẵng).
Trả lời: Liên quan tới vấn đề này, Bộ TTTT đã có công văn số 3603/CTS-CSQH ngày 09/12/2016 trả lời Sở TTTT Đà Nẵng. Công văn trả lời đã nêu rõ: Đề án số hóa truyền hình mặt đất là Đề án thực hiện chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu xem từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất. Vì vậy, chỉ những địa bàn mà trước đây người dân thu xem được truyền hình tương tự mặt đất mới được phủ sóng và chuyển đổi sang thu xem truyền hình số mặt đất.
Trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng (ngày 01/11/2015), những địa bàn thuộc huyện Hòa Vang trước đây được phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất đã được phủ sóng thay thế bằng truyền hình số mặt đất. Đài Truyền hình Việt Nam đã đầu tư thêm 02 trạm phát lại truyền hình số mặt đất công suất thấp để tăng cường phủ sóng cho khu vực này. Riêng tại địa bàn 02 thôn Tà Lang, Giàng Bí thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang không có trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất, sóng truyền hình tương tự mặt đất không phủ tới 2 địa bàn này. Vì vậy, theo quy định tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, địa bàn Tà Lang, Giàng Bí không thuộc phạm vi được hỗ trợ phát sóng truyền hình số mặt đất và hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo, cận nghèo từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.
Do đó, đề nghị Sở TTTT thành phố Đà Nẵng cần xem xét tiến hành khảo sát số hộ gia đình thu xem truyền hình qua các phương thức khác nhau (số mặt đất/vệ tinh) và đánh giá hiệu quả của việc phủ sóng truyền hình số mặt đất so với phủ sóng truyền hình qua vệ tinh tại 2 thôn Tà Lang, Giàng Bí. Trong trường hợp các hộ gia đình tại đây chủ yếu thu xem truyền hình qua vệ tinh, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng hỗ trợ đầu thu truyền hình số qua vệ tinh cho các hộ gia đình khó khăn tại 02 địa bàn này từ nguồn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác.
 
Câu hỏi 35: Ban hành Thông tư quy định định mức giá thuê hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất (Hải Phòng).
Trả lời:
Ngày 19/12/2016, Bộ trưởng Bộ TTTT đã ký ban hành Thông tư mới quy định định mức giá thuê TDPS truyền hình số mặt đất.
 
Câu hỏi 36: Bộ TTTT xem xét sửa đổi hệ số quy đổi số người sử dụng internet không còn phù hợp với tình hình hiện nay (Tây Ninh).
Trả lời:
Hiện nay, Bộ TTTT đã xây dựng Đề án điều tra, thống kê số liệu về người sử dụng Internet tại Việt Nam, theo đó số người sử dụng Internet được tính theo phương pháp điều tra thống kê. Phương pháp điều tra chọn mẫu, phạm vi lấy mẫu và số lượng mẫu đã được trình bày cụ thể trong Đề án. Từ kết quả có được từ điều tra chọn mẫu sẽ áp dụng phương pháp tính toán thống kê để tính số lượng người sử dụng Internet Việt Nam trong phạm vi sai số cho phép. Phương pháp này được ITU khuyến nghị và các nước trên thế giới đang áp dụng. Bộ TTTT sẽ thực hiện lồng ghép Điều tra thống kê Internet vào các hoạt động Điều tra thống kê của Bộ TTTT hoặc của Tổng cục Thống kê trong các năm tiếp theo.
 
V. Lĩnh vực Công nghệ thông tin
Câu hỏi 37: Đề nghị quy định cụ thể về chế độ ưu đãi về phụ cấp trách nhiệm cho công chức, viên chức chuyên trách về CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương trong việc ứng dụng và phát triển CNTT. Đồng thời, tăng cường đào tạo kỹ năng về ứng dụng CNTT cho công chức, viên chức; nâng cao trình độ CNTT cho nguồn nhân lực ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực (Tây Ninh, Hậu Giang).
Trả lời:
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực CNTT nói chung và xây dựng các chính sách thu hút sử dụng chuyên gia CNTT phục vụ cơ quan nhà nước đã và đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nội dung này đã được nêu tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế, tích cực chủ động nghiên cứu, vận dụng các quy định hiện hành, huy động các nguồn lực để có chính sách đãi ngộ (cả về vật chất và cơ chế) nhằm thu hút các chuyên gia CNTT phục vụ trong cơ quan nhà nước địa phương.
Hiện nay, Bộ TTTT đang nghiên cứu và xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức CNTT thuộc chuyên ngành TTTT. Bộ TTTT mong muốn thông qua việc xây dựng và ban hành hệ thống chức danh và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức CNTT, các đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị sự nghiệp CNTT nói riêng sẽ thuận lợi trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức CNTT.
 
Câu hỏi 38: Sớm ban hành quy định một số nội dung về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu CNTT tập trung và Công viên phần mềm Quang Trung Đà Lạt (Lâm Đồng).
Trả lời:
Về chính sách ưu đãi đối với khu CNTT tập trung: Bộ TTTT sẽ phối hợp các Bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành khác để hướng dẫn, triển khai các cơ chế chính sách trong Nghị định số 154/2013/NĐ-CP một cách đồng bộ, thống nhất về nội dung ưu đãi đầu tư đối với khu CNTT, tập trung vào các ưu đãi thuế, đầu tư, đất đai, khoa học và công nghệ,…
Đối với Công viên phần mềm Quang Trung Đà Lạt: Hiện nay, Bộ TTTT đang phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng Mô hình tổ chức và Quy chế hoạt động của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 03/3/2016. Việc ban hành cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung sẽ tạo hành lang pháp lý để kết nạp thành viên là Công viên phần mềm Đà Lạt, sau đó áp dụng, thực thi chính sách ưu đãi đối với khu CNTT tập trung.
 
Câu hỏi 39: Có giải pháp tiếp tục triển khai Khu công nghiệp CNTT tập trung hoặc bàn giao để tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai theo chỉ đạo của TTgCP tại QĐ số 2407/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 (Bắc Ninh).
Trả lời:
Đối với Khu CNTT tập trung của Bộ tại tỉnh Bắc Ninh: Đây là dự án mà Bộ đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng báo cáo tiền khả thi. Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định của pháp luật, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở điều kiện thực tế hiện nay, nếu dự án này tiếp tục do Bộ làm chủ đầu tư triển khai sẽ không phù hợp. Do vậy, đề nghị tỉnh Bắc Ninh có công văn chính thức về Bộ TTTT yêu cầu chuyển giao các kết quả nghiên cứu để phục vụ cho hoạt động tiếp tục triển khai dự án nêu trên.
 
Câu hỏi 40: Một số Điều, Khoản quan trọng được ghi trong Luật CNTT (ví dụ: Khoản 2 Điều 63; Khoản 4, Điều 62) nhưng chưa được triển khai hoặc được triển khai chỉ ở một số địa phương có tiềm lực về kinh tế, còn đối với các tỉnh nghèo, kinh tế khó khăn thì hầu như không thể thực hiện được, vì vậy đề nghị Bộ nghiên cứu, ban hành các văn bản dưới Luật triển khai sâu rộng, trọng tâm, trọng điểm các Điều, Khoản mang tính chiến lược trên (Yên Bái).
Trả lời:
Về nội dung Ghi mục chi riêng cho CNTT theo phân ngành kinh tế trong hệ thống mục lục ngân sách nhà nước như quy định tại Luật CNTT: Theo Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chính phủ đã có chỉ đạo: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn theo hướng bảo đảm mức phân bổ đủ mức ngân sách nhà nước hàng năm cho CNTT và đáp ứng yêu cầu phát triển. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao trong Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, trong thời gian qua Bộ TTTT đã kiểm tra, đôn đốc tình hình ứng dụng CNTT tại Bộ Tài chính. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện nay Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước 2015. Trong dự thảo Thông tư ban hành Mục lục ngân sách nhà nước mới, loại chi được bố trí theo các lĩnh vực quy định tại Điều 36, 38 của Luật Ngân sách nhà nước 2015, đã bổ sung một Khoản riêng về CNTT để: hạch toán chi ngân sách nhà nước theo dự toán trực tiếp giao cho lĩnh vực CNTT, hạch toán chi ngân sách nhà nước về mua sắm, sửa chữa CNTT và bố trí Tiểu mục để hạch toán chi liên quan đến CNTT.
Về nội dung tổng hợp dự toán kinh phí chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT: Hiện nay, Bộ đang triển khai các hoạt động liên quan đến việc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT, trong đó sẽ tập trung rà soát các nội dung được quy định trong Luật mà chưa triển khai thực hiện để sớm có giải pháp.
 
Câu hỏi 41: Hỗ trợ, đưa và phát triển Thái Nguyên thành trọng điểm phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ theo Kế hoạch 1290/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt hỗ trợ Thái Nguyên xúc tiến đầu tư, tiếp cận các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế để phát triển ngành công nghiệp linh kiện, vi mạch bán dẫn (Thái Nguyên).
Trả lời:
Với việc thu hút tập đoàn Samsung và các nhà đầu cung cấp linh kiện đầu tư, tỉnh Thái Nguyên trở thành địa phương trọng điểm trong phát triển ngành công nghiệp điện tử hiện nay. Trên cơ sở đó, trong các chương trình về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, Bộ sẽ lồng ghép, xây dựng các nội dung nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển hơn nữa lĩnh vực công nghiệp điện tử của Thái Nguyên, nhằm đưa Thái Nguyên thành trung tâm ngành công nghiệp linh kiện, vi mạch bán dẫn của cả nước và khu vực.
 
Câu hỏi 42: Sớm có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thuê dịch vụ CNTT theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở để các địa phương tổ chức triển khai. Nghiên cứu, xem xét có hướng dẫn định hướng việc thuê ngoài dịch vụ trong tổ chức đầu tư, triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN. Bộ sớm công bố sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ thuê ngoài; Công bố tổ chức, doanh nghiệp được công nhận về việc kiểm thử phần mềm (Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa,Thái Nguyên).
Trả lời:
a. Về nội dung sớm có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thuê dịch vụ CNTT theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở để các địa phương tổ chức triển khai: Thực hiện trách nhiệm hướng dẫn, giám sát triển khai thực hiện, thi hành Quyết định 80, trong thời gian qua, Bộ đã trực tiếp cử cán bộ tham gia hướng dẫn cũng như tiếp nhận thông tin triển khai Quyết định 80 từ các Bộ, ngành, địa phương. Cho đến nay, mặc dù có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng đã có nhiều Bộ, ngành, địa phương tích cực và triển khai thành công việc thuê dịch vụ CNTT theo Quyết định 80, như: Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND TP Hà Nội; tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông… Mặc dù vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các CQNN khi triển khai Quyết định này, trong thời gian qua, Bộ đã triển khai đồng loạt các hoạt động nhằm kịp thời đánh giá, hướng dẫn, đặc biệt các nội dung sau:
- Phối hợp với Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực CNTT-TT xây dựng văn bản tổng hợp các dịch vụ, ứng dụng CNTT mà các doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp, trong đó kèm theo các khuyến nghị về yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật mà Bộ đã ban hành trong thời gian qua. Văn bản này sẽ góp phần tạo, định hướng thị trường dịch vụ CNTT cũng như góp phần giúp các CQNN tham khảo khi lựa chọn việc thuê và giải quyết các khó khăn liên quan đến việc đưa ra các yêu cầu, tính năng kỹ thuật mà nhà thầu phải đáp ứng. (Hiện tại, Bộ đang gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương)
- Xây dựng và ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BTTTT ngày 30/9/2016 quy định chi tiết một số nội dung về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của Bộ TTTT nhằm tạo điều kiện cho các CQNN có thể vận dụng triển khai thuê dịch vụ CNTT đối với các dịch vụ, hoạt động ứng dụng CNTT không phổ biến, đặc thù cho 1 cơ quan, đơn vị theo hình thức hợp đồng BLT (Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao) quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất đưa các nội dung liên quan đến thuê dịch vụ CNTT vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Danh mục các nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu nhằm đảm bảo việc ký hợp đồng nhiều năm nhưng kinh phí thanh toán theo hàng năm. Hiện, dự thảo Quyết định này đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.
b. Về nội dung nghiên cứu, xem xét có hướng dẫn định hướng việc thuê ngoài dịch vụ trong tổ chức đầu tư, triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN: Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu, xem xét đưa các nội dung chi tiết về thuê dịch vụ CNTT vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 102/2009/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý về thuê dịch vụ CNTT.
 c. Về nội dung sớm công bố sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ thuê ngoài; Công bố tổ chức, doanh nghiệp được công nhận về việc kiểm thử phần mềm: Theo tinh thần của Quyết định 80, việc lựa chọn nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Việc quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tham gia cung cấp dịch vụ CNTT cho CQNN. Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu, ban hành các chuẩn, tiêu chuẩn, các yêu cầu kỹ thuật, tính năng, chức năng của dịch vụ làm cơ sở cho các CQNN đưa ra các yêu cầu đòi hỏi doanh nghiệp khi tham gia thầu phải đáp ứng.
 
Câu hỏi 43: Hướng dẫn, quy định cụ thể về quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt, ban hành giáo trình, tài liệu chính thức về Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ TTTT quy định chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT (Cao Bằng).
Trả lời:
Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT đã quy định chi tiết các kiến thức, kỹ năng đối với 06 mô đun chuẩn kỹ năng cơ bản và 09 mô đun chuẩn kỹ năng nâng cao. Ngày 21/6/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ TTTT đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT. Nhằm thực hiện việc xã hội hóa đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT theo chuẩn, Thông tư này chỉ quy định về việc tổ chức thi cấp chứng chỉ, do đó, các đơn vị đào tạo chủ động trong việc xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT.
 
Câu hỏi 44: Nghiên cứu xây dựng Thông tư hướng dẫn tiêu chí, chỉ tiêu chấm điểm khen thưởng trong hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT ở địa phương, để các địa phương làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh khen thưởng chuyên đề hàng năm, đột xuất cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn (Thái Nguyên).
Trả lời:
- Việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT là cần thiết nhằm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ. Bộ khuyến khích các tỉnh xây dựng các chỉ số đánh giá ứng dụng và phát triển CNTT cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và lấy chỉ số này làm sở cứ để đề xuất khen thưởng. Hiện nay, rất nhiều địa phương đã triển khai như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An,…và đã đạt được nhiều tác động tích cực, trong đó nhiều tỉnh đã đưa chỉ tiêu xếp hạng này là chỉ tiêu khen thưởng hàng năm như Hà Nội đã xếp hạng và trao giải ứng dụng CNTT hàng năm cho các cơ quan trong tỉnh từ năm 2014.
- Từ năm 2006, Vụ CNTT và Hội Tin học Việt Nam đã phối hợp xây dựng các Báo cáo Vietnam ICT Index với hệ thống chỉ tiêu có cập nhật đổi mới phù hợp với tình hình phát triển và định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về ứng dụng và phát triển CNTT. Các địa phương có để tham khảo báo cáo này để tự xây dựng tiêu chí đánh giá cho các cơ quan trên địa bàn hàng năm.
 
Câu hỏi 45: Đề nghị Bộ phối hợp làm việc với các bộ, ban, ngành Trung ương để hỗ trợ kết nối chia dữ liệu từ hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai tới các địa phương với các hệ thống phần mềm của tỉnh như hệ thống đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cấp phép lái xe của Bộ Giao thông Vận tải,… Đôn đốc các Bộ, ngành sớm triển khai Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử”, đồng thời:
+ Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể việc thi hành pháp luật liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia.
+ Phối hợp với các cơ quan chủ quản sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương án kỹ thuật và hướng dẫn kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo sự tương thích, thông suốt và an toàn thông tin (Quảng Nam, Khánh Hòa, Vĩnh Long).
Trả lời:
Nhận thức được vấn đề kết nối các HTTT vào CSDLQG rất quan trọng, trong thời gian qua Bộ TTTT đã có những khảo sát và nắm bắt tình hình thực tế, nhu cầu kết nối, khai thác dữ liệu của các địa phương để từ đó có phương án phối hợp, hướng dẫn và thúc đẩy kết nối các HTTT với CSDLQG.
Thực hiện Quyết định số 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã gấp rút nghiên cứu và dự thảo Thông tư quy định việc kết nối các HTTT với các CSDLQG. Dự thảo Thông tư này đã được xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và đang hoàn thiện để ban hành trong thời gian sắp tới. Dự kiến, khi Thông tư được ban hành, các cơ quan nhà nước sẽ có hướng dẫn cụ thể về điều kiện kỹ thuật cũng như phương thức thống nhất để khai thác chia sẻ dữ liệu từ CSDLQG.
Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng Thông tư của các cơ quan chủ quản CSDLQG cũng cần có thời gian để thực hiện. Bộ TTTT sẽ phối hợp với các cơ quan chủ quản CSLDQG để thúc đẩy và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các địa phương khi kết nối vào CSDLQG để khai thác dữ liệu.
Trong thời gian qua, Bộ cũng đã tổ chức một số buổi làm việc cụ thể với cơ quan chủ quan CSDL quốc gia (Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, …) để thúc đẩy và hỗ trợ việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.
 
Câu hỏi 46: Đề nghị Bộ định hướng giải pháp công nghệ cụ thể trong việc xây dựng nền tảng chính quyền điện tử, trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu (Quảng Nam).
Trả lời:
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ TTTT không định hướng giải pháp công nghệ cụ thể trong việc xây dựng nền tảng chính quyền điện tử, trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu, việc làm này sẽ dẫn đến sự hạn chế về giải pháp, công nghệ, phụ thuộc vào nhà cung cấp giải pháp, công nghệ cụ thể. Thay vào đó, để hướng dẫn các địa phương triển khai nền tảng chính quyền điện tử, Bộ TTTT tiếp thu, bổ sung vào kế hoạch nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn về chức năng kỹ thuật, tính năng kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, mô hình kỹ thuật... về nền tảng chính quyền điện tử cấp tỉnh để các địa phương có thể tham khảo, triển khai thống nhất, làm cơ sở để triển khai các giải pháp công nghệ cụ thể phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế.
 
Câu hỏi 47: Hỗ trợ kinh phí triển khai xây dựng các hạng mục của Đề án Chính quyền điện tử của các địa phương đảm bảo liên thông đồng bộ từ trung ương đến xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình tại Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ (Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Kon Tum).
Trả lời:
Chương trình mục tiêu CNTT (Chương trình) đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016. Hiện tại, Bộ TTTT đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trong đó có đề xuất hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương, cụ thể:
- Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ TTTT đã đề xuất dự án "Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020".
- Đối với tỉnh Kon Tum, Bộ TTTT đã đề xuất dự án "Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020".
- Hải Phòng không có đề xuất nên Bộ TTTT chưa tổng hợp vào Báo cáo khả thi.
 
Câu hỏi 48: Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các CSDL nền quốc gia được ban hành tại Quyết định số 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử (Đà Nẵng).
Trả lời:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chủ quản xây dựng CSDLQG. Hiện tại các cơ quan chủ quản CSLDQG cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, đề án xây dựng CSDLQG. Dự án CSDLQG về Dân cư đã được phê duyệt và triển khai. Ba CSDLQG về Tài chính, Bảo hiểm, Đất đai đang gấp rút các bước xây dựng và phê duyệt đề án thực hiện.
Để đẩy mạnh việc xây dựng các CDLQG, Bộ TTTT cũng đang xây dựng đề án Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về CSDLQG để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Đề án sẽ triển khai các biện pháp đồng bộ để xây dựng và khai thác các CSDLQG theo hướng tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Hiện dự thảo đang được xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương. Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương có những ý kiến góp ý thiết thực vào dự thảo đề án này để khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các biện pháp thực hiện đáp ứng đúng nhu cầu của các cơ quan nhà nước khi khai thác CSDLQG.
 
Câu hỏi 49: Có quy định trách nhiệm cho cá nhân, người đứng đầu tất cả các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan, đơn vị (Bắc Giang).
Trả lời:
Để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan, đơn vị và gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, trong thời gian qua Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa, bổ sung bộ tiêu chí đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), trong đó, đề xuất bổ sung tiêu chí đánh giá Người đứng đầu các cơ quan nhà nước có sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 cũng đã có xác định một trong các giải pháp chủ yếu của Chương trình nhằm bảo đảm hiệu quả ứng dụng CNTT trong các cơ quan là “Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả ứng dụng CNTT của cơ quan mình”. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung trong Quyết định số 1819/QĐ-TTg nói chung và nội dung liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan trong việc bảo đảm hiệu quả ứng dụng CNTT.
 
Câu hỏi 50: Hướng dẫn các địa phương xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh; Xây dựng các tiêu chuẩn về thành phố thông minh (Vĩnh Phúc).
Trả lời:
- Về hướng dẫn các địa phương xây dựng kiến trúc CQĐT cấp tỉnh: Tại văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 về việc ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 1.0), Bộ TTTT đã có hướng dẫn về Khung kiến trúc chính quyền điện tử cấp Tỉnh. Để hướng dẫn các địa phương xây dựng kiến trúc CQĐT của mình, Bộ TTTT đã có Văn bản số 2384/BTTTT-THH ngày 28/7/2015 về việc hướng dẫn mẫu Đề cương Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh. Do đó, căn cứ vào Văn bản số 1178/BTTTT-THH, 2384/BTTTT-THH các địa phương có thể tổ chức xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử của mình. Ngoài ra, nếu có khó khăn, vướng mắc cụ thể trong triển khai, địa phương có thể liên hệ với Cục Tin học hóa - Bộ TTTT để được hướng dẫn chi tiết.
- Về xây dựng các tiêu chuẩn về thành phố thông minh: Tại Văn bản số 10384/VPCP-KGVX ngày 01/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo “Bộ TTTT khẩn trương phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT đang khẩn trương chuẩn bị các nội dung, phối hợp với các Bộ, ngành khác để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công nhận đô thị thông minh nhằm sớm ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai nội dung này trong năm 2017.
 
Câu hỏi 51: Hỗ trợ địa phương thực hiện kết nối, liên thông các HTTT từ trung ương tới địa phương theo mô hình Khung Chính phủ điện tử Việt Nam (Hưng Yên).
Trả lời:
Hiện tại Bộ TTTT đã có các văn bản hướng dẫn chung như sau:
- Về quy định: Thông tư số 25 /2014/TT-BTTTT ngày 30/12/2014 quy định về triển khai các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương đến địa phương đã quy định các hệ thống thông tin triển khai theo ngành dọc phải khảo sát và nắm rõ yêu cầu quản lý thực tế, hiện trạng ứng dụng tại địa phương để triển khai các giải pháp phù hợp.
- Về hướng dẫn kỹ thuật: Bộ TTTT đã có văn bản hướng dẫn số 3788/BTTTT-THH ngày 26/12/2014 hướng dẫn liên thông, trao đổi dữ liệu có cấu trúc bằng ngôn ngữ XML giữa các hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước.
- Về mô hình khung kiến trúc: Bộ TTTT đã có hướng dẫn mô hình liên thông các hệ thống thông tin từ Trung ương tới địa phương thông qua giải pháp Nền tảng chia sẻ, tích hợp cấp quốc gia (NGSP) và Nền tảng chia sẻ tích hợp cấp Bộ, tỉnh (LGSP). Việc triển khai LGSP sẽ do các Bộ, địa phương thực hiện. Tại Văn bản số 1178/BTTTT-THH đã có hướng dẫn chung về các thành phần của LGSP.
- Để hỗ trợ các địa phương trong triển khai LGSP, Bộ TTTT sẽ tiếp tục hướng dẫn cụ thể về triển khai LGSP trong thời gian tới.
Trong Chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016-2020, Bộ TTTT cũng đã đề xuất đưa vào dự thảo nhấn mạnh cần tập trung đầu tư xây dựng LGSP.
 
Câu hỏi 52: Hướng dẫn cụ thể về quy định liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng, các tiêu chí, yêu cầu đối với dịch vụ CNTT; điều kiện khả năng kết nối liên thông với ứng dụng CNTT (Bắc Giang).
Trả lời:
a) Về hướng dẫn cụ thể quy định liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng, các tiêu chí, yêu cầu đối với dịch vụ CNTT:
 - Đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ CNTT thông thường, sẵn có như đường truyền, cổng thông tin điện tử, quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, hệ thống một cửa điện tử… Bộ TTTT đã có văn bản hướng dẫn về yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật để các cơ quan có thể áp dụng kèm với các quy định về thuê, mua hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính hướng dẫn để tiến hành mua sắm, thuê dịch vụ CNTT.
- Đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ CNTT chưa có sẵn trên thị trường, Bộ TTTT tiếp thu và đưa vào kế hoạch công tác trong thời gian tới. Tuy nhiên, các địa phương cần nghiên cứu chặt chẽ về nhu cầu, yêu cầu, đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ CNTT cần thuê để có phương án triển khai thuê dịch vụ CNTT cho phù hợp với nhu cầu và quy định hiện hành.
b) Về điều kiện khả năng kết nối liên thông với ứng dụng CNTT
Bộ TTTT đã có những hướng dẫn về yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật, tiêu chuẩn cần áp dụng trong triển khai công tác ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước Việt Nam. Việc thuê dịch vụ thuộc phạm vi áp dụng của các yêu cầu trên, do đó, khi tiến hành thuê dịch vụ CNTT, các cơ quan cần đưa các yêu cầu trên thành các yêu cầu cần đáp ứng đối với các dịch vụ mình cần thuê. Kết quả của việc này là ứng dụng CNTT triển khai theo hình thức đầu tư hay thuê dịch vụ CNTT đều tuân thủ áp dụng các tiêu chuẩn, do đó, tăng cường khả năng liên thông với nhau.
 
Câu hỏi 53: Về vấn đề kết nối giữa các hệ thống thông tin: Các Bộ, ngành cần sớm hướng dẫn các chuẩn cấu trúc dữ liệu dùng chung và chuyên ngành để phục vụ cho việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống; Các Bộ, ngành khi triển khai các phần mềm dùng chung cần khảo sát và nắm rõ yêu cầu quản lý thực tế, hiện trạng ứng dụng tại địa phương để triển khai các giải pháp phù hợp. Đối với những ứng dụng đã được các địa phương triển khai hiệu quả, đang sử dụng thực tế, đề nghị các Bộ, ngành thống nhất cho việc kết nối giữa các hệ thống phần mềm để vừa đảm bảo yêu cầu công tác quản lý chuyên ngành của Bộ, ngành, vừa đảm bảo việc triển khai phần mềm dùng chung thống nhất đáp ứng yêu cầu của địa phương (Hà Nội).
Trả lời:
Vấn đề kết nối trao đổi giữa các HTTT hiện nay vẫn còn hạn chế. Bộ TTTT cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này và trong thời gian qua đã ban hành các chính sách, hướng dẫn để thúc đẩy. Cụ thể:
Về quy định pháp lý: Thông tư số 25/2014/TT-BTTTT ngày 30/12/2014 quy định về triển khai các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương đến địa phương đã quy định các hệ thống thông tin triển khai theo ngành dọc phải khảo sát và nắm rõ yêu cầu quản lý thực tế, hiện trạng ứng dụng tại địa phương để triển khai các giải pháp phù hợp.
Về hướng dẫn kỹ thuật: Bộ TTTT đã có văn bản hướng dẫn số 3788/BTTTT-THH ngày 26/12/2014 hướng dẫn liên thông, trao đổi dữ liệu có cấu trúc bằng ngôn ngữ XML giữa các hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước. Đây là văn bản đã hướng dẫn và thống nhất tiêu chuẩn áp dụng cho cấu trúc thông tin trao đổi đã được quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BTTTT ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.
Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tuân thủ và thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ để đảm bảo các quy định và giải pháp kỹ thuật được áp dụng thống nhất tạo thuận lợi cho trao đổi dữ liệu được dễ dàng.
Bộ TTTT đang tổ chức làm việc với các Bộ, ngành để từng bước làm rõ các nhu cầu về dữ liệu cũng như giải pháp mong muốn của các địa phương khi kết nối đến các HTTT của các Bộ, ngành. Vì vậy, đề nghị các địa phương có nhu cầu cụ thể về dữ liệu cũng như kỹ thuật tổng hợp và gửi về Bộ TTTT để Bộ có cơ sở phối hợp, làm việc với các Bộ, ngành chủ quản.
 
Câu hỏi 54: Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khi triển khai ứng dụng CNTT phải có ý kiến thẩm định về mặt chuyên môn của Bộ TTTT để bảo đảm không trùng lắp, lãng phí và thực hiện chia sẻ thông tin số theo Luật CNTT và Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là đối với các hệ thống thông tin do các bộ ngành triển khai như Bộ Tư pháp (Hệ thống đăng ký khai sinh quốc gia), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Hệ thống quản lý doanh nghiệp), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Hệ thống quản lý đất đai ViLIS), Bộ Giao thông Vận tải (Hệ thống Cấp phép lái xe và Hệ thống quản lý đăng kiểm quốc gia), Thanh tra Chính phủ (CSDL thanh tra, khiếu nại, tố cáo) (Đà Nẵng).
Trả lời:
Xin tiếp thu kiến nghị của Sở TTTT Đà Nẵng.
 
Câu hỏi 55: Xây dựng hướng dẫn và định mức, kinh phí cho: Lập dự toán bảo trì phần mềm nội bộ, các thiết bị CNTT, điện tử; định mức chi phí tư vấn lập Báo cáo đề xuất chủ trương, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư ứng dụng CNTT; việc giám sát, chi phí tư vấn giám sát, tài liệu nghiệm thu khi thi công cho ứng dụng CNTT sử dụng vốn sự nghiệp; hướng dẫn về tính thuế giá trị gia tăng đối với các chi phí đào tạo chuyển giao công nghệ, tạo lập cơ sở dữ liệu, tư vấn lập dự án mua sắm, phát triển phần mềm.
Bổ sung, banh hành các quy định, văn bản hướng dẫn về định mức chi phí quản lý, thẩm định thiết kế và tổng dự toán đối với các dự án CNTT (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh).
Trả lời:
1. Về lập dự toán bảo trì phần mềm nội bộ, các thiết bị CNTT, điện tử. Hiện tại, Bộ TTTT đang đang nghiên cứu, xem xét xây dựng văn bản hướng dẫn liên quan đến nội dung trên.
2. Về định mức chi phí tư vấn lập Báo cáo đề xuất chủ trương, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư ứng dụng CNTT. Các đơn vị thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 15 Nghị định số 136/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công và các văn bản có liên quan khác.
3. Về việc giám sát, chi phí tư vấn giám sát, tài liệu nghiệm thu khi thi công cho ứng dụng CNTT sử dụng vốn sự nghiệp. Hiện tại, Bộ TTTT chưa có văn bản quy định về nội dung này. Trong quá trình triển khai, các đơn vị nghiên cứu, vận dụng Thông tư số 28/2010/TT-BTTTT ngày 13/12/2010 của Bộ TTTT quy định nội dung giám sát thi công dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN.
4. Về hướng dẫn tính thuế giá trị gia tăng đối với các chi phí đào tạo chuyển giao công nghệ, tạo lập CSDL, tư vấn lập dự án mua sắm, phát triển phần mềm. Các đơn vị triển khai áp dụng theo Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản bổ sung, sửa đổi (nếu có).
5. Bổ sung, ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn về định mức chi phí quản lý, thẩm định thiết kế và tổng dự toán đối với các dự án CNTT. Tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN có quy định thẩm quyền phê duyệt Thiết kế thi công và tổng dự toán thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư, theo đó không có quy định về việc thu phí thẩm định thiết kế thi công và tổng dự toán. Ngoài ra, Nghị định số 102/2009/NĐ-CP có quy định: tùy điều kiện cụ thể của dự án, Chủ đầu tư có thể ký kết hợp đồng với các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực để lập, tư vấn thẩm định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán. Chi phí thẩm tra thiết kế thi công và tổng dự toán này được xây dựng theo hướng dẫn tại Quyết định số 993/QĐ-BTTTT ngày 01/7/2011 của Bộ TTTT công bố định mức tạm thời về chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN.
 
Câu hỏi 56: Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ ứng dụng CNTT, an toàn an ninh thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT và cán bộ phụ trách TTTT tại cơ sở (Sơn La, Hưng Yên, Điện Biên).
Trả lời:
Hàng năm, để thực hiện thành công các mục tiêu đã đưa ra tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg (trong giai đoạn trước là Quyết định số 1605/QĐ-TTg), Bộ TTTT đã hỗ trợ các địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về ứng dụng CNTT cho các cán bộ chuyên trách CNTT và cán bộ phụ trách TTTT tại cơ sở. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên chỉ tổ chức được cho một vài tỉnh trong năm. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo cho các tỉnh còn khó khăn về kinh phí đào tạo chuyên sâu CNTT.
Ngoài ra, về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nội dung an toàn, an ninh thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT và cán bộ phụ trách thông tin & truyền thông cơ sở được thực hiện theo Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014.
 
Câu hỏi 57: Ban hành các Quy định: Sử dụng chữ ký số và lưu trữ số đối với văn bản hành chính , văn bản số hóa liên thông trong xử lý các thủ tục hành chính (quy định cụ thể danh mục các văn bản phải ký số gửi trên mạng không gửi văn bản giấy; quy định tính pháp lý trên các loại văn bản ký số); triển khai thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước thực hiện theo Quyết định 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 để địa phương có cơ sở, ban hành quy định thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước áp dụng tại địa phương; phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án CNTT và hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể các địa phương trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư dự án CNTT; bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng và phát triển CNTT đối với các tỉnh, thành phố (Bình Thuận).
Trả lời:
- Theo quy định tại khoản 3, Điều 4, Nghị định số 01/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lưu trữ, có quy định: Bộ Nội vụ, Bộ TTTT quy định các chức năng cơ bản; quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý công việc trong hệ thống quản lý tài liệu điện tử. Triển khai nội dung này, năm 2016, Bộ TTTT đã có tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với phối hợp với Bộ Nội vụ (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), Ban Cơ yếu Chính phủ để xác định và phân định trách nhiệm của từng bên trong việc phối hợp thực hiện. Trong năm 2017, Bộ TTTT cùng các cơ quan có liên quan sẽ đẩy mạnh triển khai, ban hành các văn bản quy định liên quan đến việc sử dụng chữ ký số, xử lý, lưu trữ điện tử đối với các văn bản hành chính.
- Về triển khai thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước: Hiện nay, nội dung thuê dịch vụ CNTT triển khai trong cơ quan nhà nước đang được đưa vào dự thảo Nghị định quy định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước. Trong thời gian Nghị định chưa được ban hành, Bộ TTTT cũng đang xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung cụ thể của Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg (ví dụ: dự thảo văn bản ban hành danh mục dịch vụ CNTT có sẵn trên thị trường…).
- Về việc ban hành quy định về phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT: Hiện nay, Bộ đã nghiên cứu và đưa ra hướng dẫn phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn nhà nước dựa trên phương pháp đo lường giá trị (VMM) và đã gửi văn bản xin ý kiến các Sở TTTT. Trên cơ sở các ý kiến gửi về, Bộ đã tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện và đã ra dự thảo thông tư quy định đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước. Sau khi Nghị định thay thế nghị định 102/2009/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, Bộ sẽ tiến hành các thủ tục để ban hành Thông tư nêu trên.
Về bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh, thành phố: Trong thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức xây dựng, công bố mô hình mức độ trưởng thành về chính quyền điện tử. Trước mắt, các chỉ số ePar index, ICT index cũng cơ bản có đủ sở cứ xem xét, tự nhận định về "trình độ" ứng dụng và phát triển CNTT của địa phương mình.
 
Câu hỏi 58: Có văn bản đề nghị các Bộ, ngành Trung ương khi có dự kiến xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương cần sớm thông tin cho các địa phương để nắm và chủ động phối hợp thực hiện tránh đầu tư lãng phí; đồng thời, hỗ trợ địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, công khai thông tin đối với hệ thống của Bộ, ngành xây dựng với hệ thống của địa phương (Vĩnh Long).
Trả lời:
- Để các địa phương có thể nắm bắt được thông tin và chủ động phối hợp các Bộ, ngành trong quá trình xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 25/2014/TT-BTTTT quy định về triển khai các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương đến địa phương, trong đó quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức ở Trung ương có trách nhiệm công bố trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan mình thông tin, kế hoạch triển khai các hệ thống thông tin.
- Đồng thời, Bộ TTTT đã tổng hợp, công bố danh mục các hệ thống thông tin do các Bộ, ngành đã triển khai xong, đang triển khai, dự định triển khai trên Cổng TTĐT của Bộ và Trang thông tin điện tử của Cục Tin học hóa – Bộ TTTT, đề nghị Quý Sở tham khảo trong quá trình triển khai.
- Để các quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTTTT được triển khai hiệu quả, trong thời gian tới Bộ TTTT sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá. Ngoài ra, trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị Quý Sở có báo cáo gửi về Bộ TTTT, Bộ, ngành liên quan nêu rõ các vướng mắc, tồn tại địa phương chưa giải quyết được để Bộ TTTT xem xét, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ.
 
Câu hỏi 59: Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành mục lục ngân sách riêng cho CNTT để đảm bảo cơ sở hạ tầng tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.
Tham mưu cho Chính phủ có cơ chế hỗ trợ kinh phí ứng dụng CNTT cho các tỉnh; đặc biệt là đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Sóc Trăng, để giúp tỉnh thực hiện được các mục tiêu theo định hướng chung về ứng dụng CNTT của Chính phủ và của Bộ TTTT, đặc biệt là Chính phủ điện tử (Lâm Đồng, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng).
Trả lời:
- Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Mục lục ngân sách nhà nước thay thế Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC, trong đó quy định liên quan đến lĩnh vực CNTT cụ thể như sau:
+ Bố trí lĩnh vực chi: Khoản 314 (khoản 314 được sử dụng để phản ánh trực tiếp bố trí cho lĩnh vực hoạt động CNTT).
+ Bố trí nội dung chi: Các tiểu mục 6912, 6956, 7053, 7054, 9356. (Các tiểu mục này dùng để phản ánh các khoản chi sửa chữa, mua sắm, bảo trì, đầu tư để mua sắm các sản phẩm CNTT phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị).
Chương trình mục tiêu CNTT (Chương trình) đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016. Hiện tại, Bộ TTTT đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trong đó có đề xuất hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương.
- Đối với tỉnh Sóc Trăng, Bộ TTTT đã đề xuất dự án "Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020".
 
Câu hỏi 60: Công bố chính thức tiêu chuẩn liên thông cấp tỉnh nhằm giúp cho các địa phương có cơ sở xây dựng Trục liên thông cấp tỉnh kết nối với hệ thống Trục liên thông Quốc gia (Đồng Nai).
Trả lời:
Theo hướng dẫn tại văn bản số 1178/BTTTT-THH, các địa phương có thể xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp cấp Tỉnh (LGSP). Về việc hướng dẫn triển khai LGSP cho các địa phương, Bộ TTTT sẽ bổ sung vào kế hoạch công tác giai đoạn tới.
 
Câu hỏi 61: Về mua sắm phần mềm thương mại trong nước: Theo Nghị định 102/2009/NĐ-CP, phần mềm thương mại cần đăng ký thương hiệu và được nhân bản hàng loạt, nhưng không có cơ sở để xác định giá trị theo bảng chào giá. Đề nghị Bộ hướng dẫn xác định giá trị phần mềm trường hợp chỉ có 01 phần mềm đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư; hướng dẫn về việc cung cấp 03 báo giá đối với phần mềm thương mại (Vĩnh Phúc).
Trả lời:
Theo quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BTTTT quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT: Việc xác định giá trị của phần mềm thương mại căn cứ theo báo giá của nhà cung cấp trên thị trường vào thời điểm lập dự án. Giá trị của phần mềm thương mại do nhà sản xuất/nhà cung cấp/nhà phân phối tính toán, đưa ra đảm bảo tính cạnh tranh theo thị trường. Vì vậy, Bộ TTTT không quy định xác định giá trị phần mềm thương mại.
Về việc cung cấp 03 báo giá đối với phần mềm thương mại: trong trường hợp có nhu cầu sử dụng, mua sắm phần mềm thương mại, cơ quan gửi yêu cầu tới các đơn vị cung cấp khác nhau để được báo giá, chào giá cho sản phẩm phần mềm đó.
 
Câu hỏi 62: Hỗ trợ, tạo điều kiện và cấp kinh phí để tỉnh Bình Thuận triển khai dự án thực hiện Chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016-2020 (Dự án “Đầu tư hạ tầng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận”) (Bình Thuận).
Trả lời:
Chương trình mục tiêu CNTT (Chương trình) đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016. Hiện tại, Bộ TTTT đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trong đó có đề xuất hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương.
- Đối với tỉnh Bình Thuận, Bộ TTTT đã đề xuất dự án "Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020".
 
Câu hỏi 63: Đề nghị quan tâm bố trí kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; quan tâm, ưu tiên bổ sung kinh phí để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án về ứng dụng CNTT (Yên Bái, Sơn La, Hưng Yên, Điện Biên, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định).
Trả lời:
Chương trình mục tiêu CNTT (Chương trình) đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Nghị Quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016. Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trong đó có đề xuất hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương.
- Đối với tỉnh Yên Bái, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất dự án " Phát triển hệ thống CNTT tỉnh Yên Bái".
- Đối với tỉnh Sơn La, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất dự án " Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020".
- Đối với tỉnh Hưng Yên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất dự án " Trung tâm tích hợp dữ liệu và đảm bảo kết nối các hệ thống CNTT tỉnh Hưng Yên".
- Đối với tỉnh Điện Biên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất dự án "Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Chính quyền điện tử tỉnh Điện Biên".
- Đối với tỉnh Bắc Giang, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất dự án " Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020".
- Đối với tỉnh Hà Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất dự án " Xây dựng Trung tâm tích hợp Chính phủ điện tử và kết nối liên thông giữa các cơ quan nhà nước tỉnh Hà Nam".
- Đối với tỉnh Nam Định, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất dự án "Phát triển hạ tầng khung chính phủ điện tử tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020".
Câu hỏi 64: Tham mưu với Chính phủ: sửa đổi các quy định trong lĩnh vực CNTT phù hợp với Luật đầu tư công; thống nhất triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung cho khối Đảng và khối Chính quyền trên nền tảng Chính quyền điện tử (Bắc Ninh).
Trả lời:
Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, xây dựng Nghị định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước (thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP). Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được Bộ TTTT tiếp thu, hoàn chỉnh ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan để trình Chính phủ ban hành.
 
Câu hỏi 65: Nghiên cứu xây dựng Thông tư hướng dẫn tiêu chí, chỉ tiêu chấm điểm khen thưởng trong hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT ở địa phương (Thái Nguyên).
Trả lời:
- Việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT là cần thiết nhằm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ. Bộ khuyến khích các tỉnh xây dựng các chỉ số đánh giá ứng dụng và phát triển CNTT cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và lấy chỉ số này làm sở cứ để đề xuất khen thưởng. Hiện nay, rất nhiều địa phương đã triển khai như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An,… và đã đạt được nhiều tác động tích cực, trong đó nhiều tỉnh đã đưa chỉ tiêu xếp hạng này là chỉ tiêu khen thưởng hàng năm như Hà Nội đã xếp hạng và trao giải ứng dụng CNTT hàng năm cho các cơ quan trong tỉnh từ năm 2014.
- Từ năm 2006, Vụ CNTT và Hội Tin học Việt Nam đã phối hợp xây dựng các Báo cáo Vietnam ICT Index với hệ thống chỉ tiêu có cập nhật đổi mới phù hợp với tình hình phát triển và định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về ứng dụng và phát triển CNTT. Các địa phương có để tham khảo báo cáo này để tự xây dựng tiêu chí đánh giá cho các cơ quan trên địa bàn hàng năm.
 
Câu hỏi 66: Đề nghị Bộ TTTT làm việc với Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, thống nhất :
+ Hướng dẫn về việc kết nối đến Cổng dịch vụ công Quốc gia để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức 3 và mức 4; đồng thời, sớm có hướng dẫn về danh mục các nhóm dịch vụ công ưu tiên triển khai năm 2017 để các địa phương có căn cứ để rà soát và xây dựng danh mục triển khai phù hợp với thực tế tại địa phương;
+ Các Bộ, ngành theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Chính phủ cần sớm thực hiện và công bố lộ trình triển khai các hệ thống thông tin, dịch vụ công được triển khai trên toàn quốc để các địa phương biết và phối hợp triển khai đồng bộ (Hà Nội).
Trả lời:
- Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong quá trình đôn đốc, thúc đẩy triển khai ứng dụng CNTT xây dựng Chính phủ điện tử. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với VPCP triển khai các nội dung theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015.
- Ngày 30/12/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 25/2014/TT-BTTTT quy định về triển khai các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương đến địa phương, trong đó quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức ở Trung ương có trách nhiệm công bố trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan mình kế hoạch triển khai các hệ thống thông tin, đồng thời Bộ đã công bố danh mục các HTTT do các Bộ đã, đang và dự kiến sẽ triển khai trên Cổng TTĐT của Bộ TTTT và Trang thông tin điện tử của Cục Tin học hóa – Bộ TTTT, đề nghị Quý Sở tham khảo để triển khai cho phù hợp.
- Về lộ trình triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP, các Bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng, công bố lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, nhiều Bộ, ngành đã công bố lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
 
Câu hỏi 67: Tăng cường đào tạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Luật An toàn thông tin mạng ngày 19/11/2015; Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (Vĩnh Phúc).
Trả lời:
- Về tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thi hành Luật ATTT mạng: Ngày 13, 15/4/2016 Bộ đã tổ chức 02 Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật An toàn thông tin mạng tại hai địa điểm là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho các đối tượng: Đơn vị chuyên trách về CNTT thuộc Bộ, ngành, các Sở thông tin và Truyền thông; Tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, hội, hiệp hội. Ngoài ra, Bộ đã phối hợp với một số Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu Luật An toàn thông tin mạng cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh như: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Phú Thọ,…
- Về tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2016/NĐ -CP: Bộ đã tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền, phố biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hướng dẫn chính sách pháp luật và các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin tại Ninh Bình và Thừa Thiên Huế vào tháng 12 cho các đối tượng chuyên trách về CNTT của các Bộ, ngành, Sở thông tin và Truyền thông Tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, hội, hiệp hội. Trong đó có nội dung giới thiệu và hướng dẫn triển khai Nghị định này. Ngoài ra, Bộ đã phối hợp với một số Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu và hướng dẫn triển khai Nghị định trên địa bàn tỉnh như: các Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, Thái Nguyên, Quảng Ngãi,…
 
Câu hỏi 68: Nghiên cứu và ban hành các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), Tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN) về an toàn thông tin mạng để các đơn vị, địa phương có cơ sở xây dựng và đánh giá, kiểm tra các hệ thống thông tin, hệ thống mạng, hệ thống máy tính đảm bảo an toàn thông tin (Đồng Nai).
Trả lời:
Trong nhiều năm qua, Bộ TTTT đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng các TCVN về an toàn thông tin, trong đó đã công bố được 11 TCVN về quản lý an toàn hệ thống thông tin và 08 dự thảo TCVN đang tiếp tục được hoàn thiện để công bố (trên tổng số 31 dự thảo TCVN về an toàn thông tin đã xây dựng). Các tiêu chuẩn này để các cơ quan, tổ chức tự nguyện áp dụng, phục vụ quản lý, đánh giá an toàn các hệ thống thông tin, hệ thống mạng, hệ thống máy tính.
Trong năm 2016, triển khai Luật An toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đẩy nhanh nghiên cứu, hoàn chỉnh và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ công bố các TCVN phục vụ quản lý an toàn thông tin của các cấp độ hệ thống thông tin; đó là: TCVN về yêu cầu an toàn cơ bản đối với các cấp độ hệ thống thông tin; TCVN về yêu cầu về kiểm tra đánh giá an toàn thông tin đối với các cấp độ hệ thống thông tin; TCVN về hướng dẫn bảo vệ hệ thống thông tin; TCVN về hướng dẫn quy trình kiểm tra đánh giá. Dự kiến đến tháng 6/2017 Bộ sẽ đề nghị công bố bộ TCVN về yêu cầu an toàn cơ bản đối với các cấp độ hệ thống thông tin và tiếp theo đó sẽ dần hoàn chỉnh và đề nghị công bố các tiêu chuẩn khác. Sau khi ban hành, Bộ TTTT sẽ có quy định về việc áp dụng các TCVN này để triển khai quản lý các hệ thống thông tin đã được xác định theo cấp độ an toàn thông tin theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của các ngành, lĩnh vực khác nhau.
 
Câu hỏi 69: Bộ TTTT sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật An toàn thông tin mạng (có hiệu lực từ 01/7/2016), nhằm đảo bảo sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương (Đồng Nai).
Trả lời:
Sau khi Luật An toàn thông tin mạng được thông qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động nghiên cứu, xây dựng dự thảo các văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ và đã trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định gồm: Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Nghị định số 108/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Danh mục hạ tầng thông tin quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng” vào ngày 06/10/2016. Để hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật An toàn thông tin mạng, ngay sau khi 02 Nghị định được Chính phủ thông qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẩn trương xây dựng 02 Thông tư để triển khai hướng dẫn:
- Thông tư quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng theo giấy phép (Hướng dẫn Nghị định số 108/2016/NĐ-CP). Dự thảo Thông tư đang xin ý kiến các đơn vị trong và ngoài Bộ và trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP của Chính phủ về bảo đảm an toàn Hệ thống thông tin theo cấp độ. Dự thảo Thông tư đang xin ý kiến các đơn vị trong và ngoài Bộ và trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.
 
Câu hỏi 70: Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ ứng dụng CNTT, an toàn an ninh thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT và cán bộ phụ trách TTTT tại cơ sở (Sơn La, Hưng Yên, Điện Biên).
Trả lời:
Triển khai Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020, Bộ đã chủ trì và phối hợp với các cơ sở đào tạo an toàn thông tin triển khai tổ chức 23 khóa đào tạo ngắn hạn về an toàn thông tin cho 660 cán bộ đến từ các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam. Phối hợp với Công an Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Hưng Yên… tổ chức hội thảo, đào tạo, tập huấn, diễn tập an toàn thông tin tại chỗ cho khoảng 400 lượt cán bộ của Công an Hà Nội và các Sở Thông tin và Truyền thông.
 
Câu hỏi 71: Theo quy định tại Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, tuy nhiên hầu hết các thiết bị CNTT hiện nay đều được quy định là thiết bị mật mã dân sự cần phải quản lý. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, do trên thực tế có nhiều thiết bị CNTT không sử dụng công nghệ mật mã hoặc mục đích sử dụng không liên quan đến mật mã. Vì vậy, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu Chính phủ điều chỉnh phạm vi quản lý đến danh mục các thiết bị đặc thù về CNTT, đồng thời có hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng quy định về quản lý thiết bị mật mã dân sự đối với danh mục các thiết bị CNTT phổ dụng, qua đó tạo điều kiện cho doang nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh (Khánh Hòa).
Trả lời:
- Theo Luật An toàn thông tin mạng tại khoản 4 Điều 52 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng: “Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự”. Do đó công tác tham mưu cho Chính phủ, hướng dẫn chi tiết về việc quản lý, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm mật mã dân sự thuộc quyền và trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng).
- Khi Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ TTTT cũng đã có văn bản góp ý, kiến nghị trong đó có vấn đề nêu trên. Bên cạnh đó, rất nhiều Hiệp hội, Công ty nước ngoài gửi văn bản thắc mắc vấn đề này trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ khi Nghị định 58/2016/NĐ-CP được ban hành. Tuy nhiên, hiện tại mới là giai đoạn đầu thực hiện triển khai Nghị định 58/2016/NĐ-CP, sau một thời gian triển khai nếu có nhiều vướng mắc liên quan mà nhiều doanh nghiệp an toàn thông tin nói riêng và doanh nghiệp CNTT nói chung gửi đến, Bộ TTTT sẽ tập hợp và gửi kiến nghị lên Chính phủ trong việc điều chỉnh phạm vi quản lý danh mục thiết bị mật mã dân sự trong Nghị định 58/2016/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.
 
Câu hỏi 72: Bộ TTTT phối hợp với Bộ Nội vụ, Ban cơ yếu Chính phủ phối hợp ban hành hướng dẫn chi tiết về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản điện tử có chữ ký số để các địa phương có cơ sở thực hiện, góp phần thực hiện thành công Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ quy trình cấp phát và các tồn tại về mặt kỹ thuật trong quá trình triển khai chữ ký số chuyên dùng để có giải pháp cải tiến về quy trình cấp phát và giải pháp kỹ thuật, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sử dụng của các cơ quan, địa phương (Đà Nẵng, Quảng Nam).
Trả lời:
Liên quan đến các quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử, thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Bộ Nội vụ và Ban Cơ yếu Chính phủ để thống nhất nội dung và kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong năm 2017, cụ thể như sau:
- Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành Thông tư quy định về việc sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước.
- Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành các thông tư: Thông tư quy định về quy trình xử lý văn bản điện tử (nội dung Thông tư bao gồm cả chữ ký số); Thông tư quy định về lưu trữ văn bản điện tử (nội dung Thông tư bao gồm cả lưu trữ văn bản điện tử có chữ ký số).
 
VI. Các lĩnh vực khác
Câu hỏi 73: Tiếp tục tạo điều kiện, ưu tiên dành đầu tư phát triển Thông tin và Truyền thông cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, hạn chế (Cao Bằng, Lai Châu).
Trả lời:
Để tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành TTTT, Bộ TTTT đã nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các chương trình, dự án để triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020; cụ thể:
- Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016. Nội dung của Dự án là hỗ trợ để đưa nội dung thông tin đến người nghèo, hộ nghèo và địa bàn nghèo thông qua việc cung cấp các sản phẩm thông tin tuyên truyền; các phương tiện nghe - xem cho các hộ nghèo; phương tiện tác nghiệp thông tin cơ sở cho cấp huyện và cấp xã; các cụm thông tin cơ sở tại các điểm tập trung dân cư.
- Hoạt động “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống TTTT cơ sở” thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016. Nội dung của Hoạt động là hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp các Đài truyền thanh truyền hình cấp huyện, trạm phát lại PTTH; thiết lập mới, nâng cấp các Đài truyền thanh xã; thiết lập các trạm truyền thanh thôn, bản xa trung tâm xã.
 
Câu hỏi 74: Đề nghị Bộ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí ngành TTTT theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của TTgCP (Lạng Sơn).
Trả lời:
Về hướng dẫn thực hiện tiêu chí nông thôn mới cấp xã, Bộ TTTT đã nghiên cứu xây dựng nội dung hướng dẫn thực hiện Tiêu chí số 8 - TTTT trong bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã, gửi Bộ NN&PTNT tổng hợp để ban hành Cẩm nang hướng dẫn thực hiện chung của Chương trình.
 
Câu hỏi 75: Có phương án đề xuất Chính phủ hỗ trợ địa phương đầu tư phát triển mạng lưới, cung cấp các loại hình dịch vụ công ích tới các xã thực hiện mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, phổ cập kiến thức người dân nông thôn… ( Lạng Sơn).
Trả lời:
Để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, Bộ TTTT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng định mức, tiêu chí phân bổ vốn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; trong đó, đã có quy định các tiêu chí, hệ số ưu tiên phân bổ cho các khu vực miền núi, vùng khó khăn.
 
Câu hỏi 76: Kính đề nghị Bộ TTTT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí (61 tỷ đồng) từ Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020 cho Dự án: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu Công viên phần mềm số 2 và Dự án: Sản phẩm tường lửa Firewall kết hợp phân tích mã độc nhằm bảo vệ an ninh thông tin của cơ quan nhà nước theo đề xuất của UBND thành phố Đà Nẵng tại Công văn số 6643/UBND-KT2 ngày 04/8/2016 về việc đăng ký vốn Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020 và Công văn số 916/BKHĐT ngày 05/02/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thông báo số kiểm tra kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 (Đà Nẵng).
Trả lời:
Thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ, trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ TTTT đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi của Chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo đó, Bộ TTTT đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ mỗi 01 địa phương thuộc đối tượng đầu tư của Chương trình được thực hiện 01 dự án có nội dung về ứng dụng, an toàn CNTT. Một số địa phương đủ điều kiện theo quy định được hỗ trợ đầu tư khu công nghiệp CNTT tập trung.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình, Bộ TTTT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Chương trình.
 
Câu hỏi 77: Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu báo cáo thống kê số liệu sản xuất, kinh doanh theo hướng đơn giản, mang tính tổng hợp (Khánh Hòa, Quảng Ngãi).
Trả lời:
Thực hiện Luật Thống kê năm 2015, Bộ TTTT đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành TTTT để thực hiện chế độ báo cáo thống kê của Nhà nước và phục vụ công tác quản lý của ngành. Hiện nay, Bộ TTTT đang hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê để gửi các Bộ, ngành, địa phương tham gia ý kiến và sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trong thời gian tới; trong đó, bao gồm cả việc sửa đổi hệ thống chỉ tiêu và chế độ báo cáo đã được ban hành tại Thông tư só 24/2009/TT-BTTTT và Thông tư số 25/2009/TT-BTTTT của Bộ TTTT.
 
Câu hỏi 78: Để tiếp tục triển khai thực hiện các Dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở khi thực hiện lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới kể từ năm 2016, kính đề nghị Bộ TT&TT và các Bộ ngành liên quan quan tâm và bố trí kinh phí giai đoạn 2016-2020 và hướng dẫn thủ tục từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để địa phương tiếp tục thực hiện dự án này (Quảng Trị, Quảng Nam).
Trả lời:
Về hướng dẫn thực hiện Chương trình: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TTTT đã nghiên cứu, xây dựng Thông tư hướng dẫn các nội dung thuộc lĩnh vực TTTT trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Dự thảo Thông tư đã được Bộ TTTT gửi xin ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương (Văn bản số 4479/BTTTT-KHTC ngày 19/12/2016). Đề nghị các địa phương quan tâm nghiên cứu và đóng góp ý kiến để Bộ TTTT tổng hợp, hoàn thiện và ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện.
 
Câu hỏi 79: Thường xuyên về địa phương theo dõi tình hình hoạt động ngành TTTT, ghi nhận những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án (Bình Phước).
Trả lời:
Bộ TTTT luôn quan tâm, theo dõi tình hình hoạt động Ngành TTTT ở địa phương. Lãnh đạo Bộ thường xuyên sắp xếp thời gian để làm việc với Sở TTTT. Trong thời gian tới, trước yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước về TTTT, Bộ sẽ đến làm việc với các Sở thường xuyên hơn, qua đó nắm tình hình hoạt động của Ngành TTTT, đặc biệt là tình hình hoạt động của Sở TTTT để từng bước nâng cao vai trò, vị thế của Sở.
 
Câu hỏi 80: Chỉ đạo, có hướng dẫn cụ thể về sử dụng nguồn kinh phí khoa học và công nghệ để thực hiện các nội dung liên quan đến ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử (Nam Định)
Trả lời:
- Theo Luật Ngân sách, các địa phương sử dụng nguồn kinh phí khoa học và công nghệ cấp cho địa phương; Sở TTTT đề xuất kế hoạch thông qua đầu mối là Sở Khoa học và Công nghệ.
 
Câu hỏi 81: Có ý kiến với Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ về việc xác định cơ quan quản lý Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố (Kon Tum).
Trả lời:
Hiện nay, cơ quan được giao quản lý Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố chưa thống nhất, có nơi UBND cấp tỉnh giao cho Văn phòng UBND cấp tỉnh quản lý, có nơi giao cho Sở TTTT quản lý. Việc không thống nhất này xuất phát từ quan điểm khác nhau về vai trò của Sở TTTT trong việc tham mưu giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về CNTT ở địa phương, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Bộ sẽ có văn bản trao đổi với các cơ quan liên quan để có văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất quản lý Cổng thông tin điện tử.
 
Câu hỏi 82: Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn và thường xuyên tổ chức Hội nghị tập huấn, các lớp đào tạo, bồi dưỡng, về kiến thức và kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức các Sở TTTT về tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước (Báo chí, quản lý trang thông tin điện tử...) của Ngành để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương trong tình hình hiện nay, đảm bảo phát triển trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập quốc tế (Bình Phước, Kiên Giang, Bình Thuận).
Trả lời:
Hàng năm, Bộ đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ, công chức của các Sở TTTT (kể cả cho cán bộ làm công tác về thanh tra cấp quận, huyện) và đồng thời cũng hướng dẫn triển khai thực thi văn bản quy phạm pháp luật mới cho cán bộ, công chức của các Sở TTTT. Bên cạnh đó, Bộ cũng quan tâm và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức của các Sở tham gia các đoàn đi khảo sát, học tập, bồi dưỡng của Bộ ở nước ngoài hàng năm. Tuy nhiên, theo chính sách nhà nước và quy định về việc sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nguồn ngân sách nhà nước cấp về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sẽ cấp trực tiếp cho các cơ quan chủ quản trực tiếp để điều phối và phân bổ trong ngành dọc của mình (UBND sẽ phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho Sở TTTT của địa phương mình). Hiện nay, Bộ chỉ được ngân sách nhà nước cấp 1 nguồn kinh phí hạn hẹp để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ và không có nguồn kinh phí bồi dưỡng cho cán bộ, công chức của các Sở. Vì vậy, Bộ cũng mong các Sở tăng cường tính chủ động trong việc bồi dưỡng cho cán bộ, công chức của đơn vị mình. Trong thẩm quyền của mình, Bộ sẽ hỗ trợ các Sở trong việc đào tạo, bồi dưỡng như sau:
- Nếu trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức của Bộ có nội dung nào trùng và phù hợp với Sở (nếu Sở có nhu cầu gửi về Bộ) thì Bộ sẽ thông báo cho các Sở để biết, cử nhân sự và thu xếp nguồn kinh phí phù hợp.
- Nếu các Sở có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng bất kỳ nghiệp vụ gì thì Bộ có thể hỗ trợ giảng viên tham gia giảng dạy và các Sở thu xếp các điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như các điều kiện cần thiết khác.
- Ngoài ra, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý TTTT cũng có tổ chức các khóa học bồi dưỡng về nghiệp vụ TTTT cũng như quản lý nhà nước. Các Sở có thể liên hệ trực tiếp với Trường để tìm hiểu và đăng ký nhu cầu.
Trong thời gian tới, đối với đào tạo cán bộ cấp huyện, các Sở trên cơ sở những hướng dẫn, tập huấn của Bộ nên chủ động tập huấn thêm nghiệp vụ cho đội ngũ này và có kiến nghị với UBND địa phương mình để tìm ra những giải pháp hợp lý.
 
Câu hỏi 83: Bộ TTTT nên phân chia giữa các Sở TTTT trong cả nước thành các Khối (Cụm) để tổ chức thực hiện công tác đánh giá thi đua theo ngành dọc đạt hiệu quả, có tính thiết thực – gắn công tác kiểm tra, theo dõi giữa các đơn vị, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc đánh giá tổng kết công tác thi đua, khen thưởng hàng năm của Bộ đối với các địa phương (Quảng Ngãi).
Trả lời:
- Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế triển khai nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTTT tại địa phương, căn cứ vào đăng ký thi đua của các Sở TTTT, ý kiến nhận xét của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào báo cáo thành tích đề nghị Bộ TTTT xét khen thưởng, Vụ Thi đua - Khen thưởng – Bộ TTTT thẩm định và trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp và bỏ phiếu lựa chọn các Sở có thành tích xuất sắc để trình Bộ trưởng quyết định khen thưởng.
- Hiện nay việc hướng dẫn tổ chức thi đua theo Khối, Cụm thi đua các bộ, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ Thi đua cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương đã có hướng dẫn số 1640/HD-BTĐKT ngày 17/8/2016 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Tuy nhiên để việc triển khai tổ chức thi đua theo Khối, Cụm đối với các Sở TTTT, Bộ đang nghiên cứu, dự kiến lấy ý kiến của các Sở trong quý I/2017. Trên cơ sở Nghị định mới về thi đua, khen thưởng sắp ban hành (Ban TĐKTTW đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định) và tổng hợp ý kiến của các Sở, Bộ sẽ ban hành Quyết định về việc tổ chức thi đua Khối các Sở TTTT năm 2017.
 
Câu hỏi 84: Kính đề nghị Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh tích cực cung cấp thông tin, nghiệp vụ chuyên ngành kịp thời để nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác thanh tra; tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu, học tập, tham khảo được thuận lợi (Quảng Trị).
Trả lời:
Hàng năm, Thanh tra Bộ đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho thanh tra các Cục được giao chức năng thanh tra chuyên ngành; Thanh tra các Sở TTTT trên cả nước và các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TTTT. Ngoài ra, thường xuyên trao đổi thông tin nghiệp vụ với Thanh tra các Sở khi có yêu cầu và tham gia giảng bài cho các Sở tổ chức tập huấn nghiệp vụ tại địa phương.
 
Câu hỏi 85: Hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành (Lạng Sơn).
Trả lời:
Hiện không có quy định nào quy định Thanh tra Bộ hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác Thanh tra chuyên ngành. Thanh tra Sở có thể làm việc với UBND tỉnh hoặc Thanh tra tỉnh về việc hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra Sở.
(Sẽ tiếp tục cập nhật)
Văn phòng Bộ
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top