Chuyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ ba, 18/02/2014 15:52

Bài 2: Gỡ “nút thắt” trong thực hiện “Vừa làm vừa nghiên cứu” có lẽ là tinh thần chung của các địa phương, khi trực tiếp quản lý và tổ chức dạy nghề cho LĐNT trong thời gian qua. Cũng vì thế, đã phát sinh nhiều lúng túng, thậm chí sai phạm khiến cho hiệu quả của chương trình đào tạo nghề không cao. Vì vậy, việc tháo những “nút thắt” trong công tác này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực từ cả hai phía: Nhà nước và người dân.

img

Cái khó của địa phương

Thực tế cho thấy, đào tạo nghề theo Đề án 1956 tập trung vào đối tượng là nông dân vì vậy lựa chọn ngành nghề đào tạo, tổ chức thực hiện là một điều vô cùng khó khăn. Hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh mới chỉ chọn một số nghề nông nghiệp để triển khai đào tạo, hay nói đúng hơn là bồi dưỡng kiến thức cho người nông dân để họ biết vận dụng một cách khoa học vào sản xuất trên nền tảng có sẵn. Các nghề phi nông nghiệp cũng vẫn dựa trên những gì đang có của người nông dân như nghề sửa máy nông cụ, nghề may, nghề đan lát, dệt thổ cẩm… Chúng tôi tiếp cận với lớp nghề sửa chữa máy nông cụ của Trung tâm dạy nghề huyện Yên Lập. Lớp học có 35 học viên và được biết tất cả các học viên này đều đã, đang sử dụng máy trong sản xuất nông nghiệp. Điều đáng nói là nhiều người có máy nhưng không biết sửa chữa nên khi hỏng hóc là vứt máy vào xó nhà. Trên cơ sở đó, Trung tâm dạy nghề huyện mở một lớp đào tạo sửa chữa nhằm giúp người nông dân phục vụ chính nhu cầu của gia đình mình. Hiệu quả thấy rõ là sau một thời gian, các học viên đã biết sửa chữa nhở để máy hoạt động trở lại. Anh Đinh Văn Nho – xã Hưng Long chia sẻ: Đúng là có học có hơn, bao nhiêu cái máy của bà con tưởng chừng bỏ đi đã được chúng tôi chữa được. Tuy nhiên, để theo học được nghề này thì phải có máy, chứ ai không có máy sẽ rất hành nghề được. Như vậy, có thể thấy rằng việc đưa nghề mới vào đào tạo tại các vùng nông thôn hầu như chưa có “đất” và việc giải quyết lao động khi nông nhàn chưa thực sự triệt để.

Một cái khó của các địa phương miền núi là chính quyền, đoàn thể các xã chưa hiểu và chưa cùng vào cuộc với huyện trong tuyên truyền, vận động bà con học nghề. Bà con không đi học nghề cũng vì chưa được giải thích các chế độ chính sách rõ ràng. Với lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, học nghề đã khó, sống bằng nghề đã học càng khó, ngay cả các nghề đặc thù của địa phương như đan lát, dệt thổ cẩm, mây tre... cũng khó triển khai đào tạo. Bởi, bà con sau học nghề làm ra sản phẩm chẳng biết bán cho ai. Trong khi đó, đào tạo các nghề phi nông nghiệp như nề, may, mộc... thì học viên tốt nghiệp ít được các chủ cơ sở tiếp nhận do tay nghề không đạt yêu cầu, ý thức lao động không cao.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án, nhiều đại biểu đồng nhất quan điểm: Một trong những đặc điểm của Đề án 1956 là đào tạo nghề trực tiếp cho lao động nông thôn ngay tại địa phương nơi họ sinh sống. Đây là ý tưởng hay nhưng việc thực hiện lại chưa đến đầu đến cuối. Nội dung, chương trình các lớp tập huấn nghề chưa cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người học để họ có thể tạo ra những sản phẩm liên quan đến thế mạnh của từng địa phương. Đặc biệt, có địa phương chạy theo số lượng để “tranh thủ” giải ngân. Đây là sự lãng phí lớn cả về ngân sách Nhà nước và cả về thời gian của người lao động.

Gỡ “nút thắt” như thế nào?

Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuối tháng 9 vừa qua, thảo luận dự thảo báo cáo Kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2010-2015, nhiều ý kiến đưa ra những tồn tại, hạn chế trong công tác đào nghề, đặc biệt là đào tạo nghề theo Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hoàng Dân Mạc khẳng định: Đào tạo nghề trong tỉnh dù có nhiều cố gắng nhưng chưa thể đạt hiệu quả như mong muốn, dù Phú Thọ được đánh giá là tỉnh làm tốt, có nhiều mô hình đào tạo nghề hay. Bây giờ, phải có kế hoạch cho từng xã chứ không chỉ huyện nữa. Cần phải phối hợp gắn kết giữa địa phương - cơ sở đào tạo - lao động nông thôn thì mới thực hiện đồng bộ được.

Theo kế hoạch thực hiện Đề án 1956 giai đoạn 2013 - 2015, UBND tỉnh đã nêu ra nhiều giải pháp, trong đó rất chú trọng khâu tuyên truyền. Kế hoạch của tỉnh nêu rõ, công tác tuyên truyền cần được thực hiện bằng nhiều hình thức như tổ chức chuyên trang, chuyên mục giới thiệu chính sách của Đề án 1956 trên báo, đài, hệ thống phát thanh huyện, xã. Ở địa phương, các chính sách cần được phổ biến trong các cuộc họp ở thôn, bản, khu dân cư; lồng ghép tuyên truyền trong các phiên giao dịch, hội chợ việc làm. Mỗi địa phương phải nâng cao hơn trách nhiệm của mình xuyên suốt các khâu tuyên truyền, tuyển sinh, đào tạo, việc làm. Lâu nay chính quyền xã và đoàn thể rất ít tham gia vào Đề án 1956, nhưng trong giai đoạn tiếp theo, trách nhiệm sẽ được quy về tận cấp xã là đơn vị thực hiện chủ chốt trong khảo sát, quản lý LĐNT trên địa bàn. Các hội, đoàn thể phải nắm được các chủ trương, chính sách của đề án để tuyên truyền cho hội viên, hướng dẫn họ học nghề và chịu trách nhiệm về phần hội viên của mình.

Bên cạnh đó, đào tạo nghề gì là giải pháp mấu chốt để các địa phương thu hút được học viên, đặc biệt là khu vực miềm núi. Theo bà Đinh Thị Hợi – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Phú Thọ có lực lượng lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm không ít vì thế nên dạy những nghề phù hợp ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp thì họ mới có thể học nhanh, và sống được với nghề đã học. Đồng thời sau khi học nghề rất ít trường hợp có việc làm, nhất là nghề phi nông nghiệp vì không quen đi xa nhà để làm việc. Về lâu dài, Trung ương cũng như tỉnh cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư ở khu vực miền núi, như thế có thể giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào. Cũng theo bà Hợi, đồng bào sau khi học cần nguồn vốn để xây dựng mô hình sản xuất tại gia, tự giải quyết việc làm, nhưng hiện nay mức cho vay quá ít, không xây dựng được mô hình. Nhà nước cũng cần tăng cường nguồn khuyến công tại miền núi, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh, mục tiêu từ nay đến năm 2015, tỉnh đào tạo nghề cho 23.100 người trong đó lao động học nghề nông nghiệp là 60%. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề 75% trở lên, đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 6.000 lượt cán bộ công chức cấp xã. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, đồng chí Hà Kế San – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Cần làm tốt công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT; tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề đối với các trung tâm dạy nghề công lập, trong đó ưu tiên đầu tư cho trung tâm daỵ nghề kiểu mẫu; phát triển chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; Cung cấp thông tin về các cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho LĐNT, các nghề đào tạo, các mô hình dạy nghề gắn với việc làm hiệu quả tại địa phương để lao động nông thôn biết và lựa chọn.

Xin được lấy lời phát biểu của đồng chí Hà Kế San trong Hội nghị sơ kết của tỉnh sau 3 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn kết thúc bài viết: “Hiện nay, nền kinh tế chưa tạo được nhiều việc làm cho người lao động, vì thế khi đào tạo, các địa phương phải chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để lo đầu ra cho người lao động. Cần phải bám sát mục tiêu là chỉ đào tạo khi giải quyết được đầu ra hoặc nâng cao thu nhập cho người học từ nghề đã học”. 

Kim Chi
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top