Tư vấn đầu tư sản xuất, kinh doanh

Thứ tư, 27/03/2013 14:52

Các thông tin tư vấn sản xuất kinh doanh như: các chế độ ưu đãi đầu tư, chế độ hỗ trợ đào tạo nghề, vốn, trợ cấp, thuế…

img

Quy định hưởng các chế độ ưu đãi đầu tư
Hỏi: Hiện nay tôi muốn thành lập một công ty chế biến nông sản sau thu hoạch tại huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Cả khu vực và ngành nghề đều được hưởng trong diện đặc biệt ưu đãi đầu tư. Vậy doanh nghiệp của tôi có nhận được giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư để hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất, hỗ trợ vận tải, quảng cáo theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP về ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp về đầu tư khu vực nông thôn không và nếu có thì chi tiết như thế nào? (Khán giả phamcongab87@gmail.com)
Trả lời: Văn phòng Luật sư SVN – Công ty luật TNHH SvietNet tư vấn:
Trong trường hợp công ty mà anh dự định thành lập có dự án nông nghiệp đặc biệt có ưu đãi đầu tư như đã trình bày thì sẽ được hưởng các ưu đãi sau:
- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước từ khi đưa dự án vào hoạt động hoặc hỗ trợ 20% tiền thuê theo khung giá nếu thuê của hộ gia đình, cá nhân cho 5 năm đầu tiên.
- Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trong nước với các mức 100% nếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, 70% nếu là doanh nghiệp nhỏ, 50% nếu là doanh nghiệp vừa.
- Hỗ trợ chi phí quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và thành phố nơi doanh nghiệp đầu tư, kinh phí triển lãm hội chợ trong nước với các mức 70% nếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và 50% nếu là doanh nghiệp vừa.
- Hỗ trợ kinh phí thuê tư vấn với mức 50% nếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và 30% nếu là doanh nghiệp vừa.
- Hỗ trợ 30% tổng kinh phí đầu tư mới để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Hỗ trợ 50% cước phí vận tải thực tế hàng hóa tiêu thụ trong nước từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ, nếu khoảng cách từ 100 km trở lên nhưng không quá 500 triệu VNĐ/1 doanh nghiệp/1 năm.
Hồ sơ xin cấp giấy xác nhận ưu đãi hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn (gọi là giấy xác nhận gồm 9 bộ trong đó có 1 bộ gốc nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư để được cấp giấy xác nhận. Hồ sơ gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy xác nhận.
2. Dự án đầu tư
Nếu hồ sơ hợp lên, UBND cấp tỉnh sẽ cấp giấy xác nhận cho doanh nghiệp. Nội dung cụ thể có thể tham khảo tại Thông tư 06/2011/TT-BKHĐT ngày 6/4/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Những nghề nào không phải đóng thuế môn bài
Hỏi: Tôi làm nghề rèn từ lâu đời, không cần nộp thuế nhưng nay chi cục thuế Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh thu thuế môn bài. Xin hỏi thuế môn bài là gì? các hộ gia đình ở đây chủ yếu làm nghề nông, thỉnh thoảng làm thêm nghề rèn, bán chạy thì làm, không thì nghỉ. Chúng tôi có phải nộp thuế hay không? (Nguyễn Tiến Cáp - phường Công Lương, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh)
Trả lời: Thuế môn bài là một khoản thu có tính chất lệ phí, thu hàng năm vào các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm mục đích kiểm kê, kiểm soát và phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, từ các tổ chức kinh doanh đến hộ cá thể đều thuộc đối tượng nộp thuế môn bài. Ngoài ra tùy từng thời điểm, nhà nước sẽ có chính sách miễn, giảm thuế môn bài với một số ngành nghề. Năm 2012, theo Thông tư số 83/2012/TT-BTC ngày 23/5/2012 Hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu Ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường thì chỉ miễn thuế môn bài với các hộ đánh bắt hải sản và sản xuất muối. Như vậy trong trường hợp các hộ kinh doanh nghề rèn, dù không thường xuyên vẫn phải đóng thuế môn bài.

Người tàn tật có được hưởng trợ cấp đào tạo nghề không?
Hỏi: Tôi là người bị tàn tật muốn đăng ký lớp học nghề thêu ren toi có được hưởng chính sách trợ cấp đào tạo không? (Bà Nguyễn Thị Vân Lan - Đồng Nai)
Trả lời: Theo quyết định 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn và quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” thì lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi là người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo và lao động nông thôn khác được nhà nước hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn hoặc được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú. Đồng thời theo Luật Dạy nghề năm 2006 thì người tàn tật, khuyết tật thuộc hộ nghèo cũng là đối tượng được nhà nước hỗ trợ học nghề. Theo đó chị hoàn toàn có thể được hưởng chế độ hỗ trợ học nghề khi tham gia các lớp học nghề theo quy định trên của nhà nước.

Quyền sử dụng đất
Hỏi: Gia đình tôi có 6 sào ruộng canh tác ổn định. Năm 1995 gia đình tôi đi làm kinh tế mới nên không sử dụng ruộng canh tác và đã ủy quyền sử dụng cho ông đội trưởng đội nông nghiệp. Hiện nay, gia đình tôi muốn sử dụng lại đất nông nghiệp thì ông đội trưởng đã chuyển nhượng cho một người cùng xóm. Gia đình tôi muốn sử dụng lại đất nhưng không được mặc dù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tôi muốn hỏi tôi phải làm gì để có thể sử dụng lại đất của gia đình tôi. (Khán giả Nguyễn Thị Dung - Ý Yên, Nam Định)
Trả lời: Theo quy định tại điều 135 và 136 Luật đất đai 2003, trong trường hợp gia đình có tranh chấp về đất đai thì trước hết cần gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để được hòa giải tranh chấp đất đai. Thời hạn hòa giải là ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn. Trong trường hợp tranh chấp đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà gia đình bạn không nhất trí thì có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết.
Bên cạnh việc cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên gia đình chị, chị cần cung cấp đầy đủ các thông tin và chứng cứ để chứng minh rằng gia đình chị chưa chuyển nhượng hoặc là chưa ủy quyền định đoạt đối với diện tích đất cho người khác hoặc đã chuyển nhượng, đã ủy quyền định đoạt đối với diện tích đất cho người khác nhưng trình tự thủ tục chưa đúng hoặc hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của UBND xã với chính sách cho vay vốn
Hỏi: Xin cho tôi hỏi UBND xã có trách nhiệm như thế nào đối với chính sách cho vay vốn đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn? (Nguyễn Văn Tuấn - Trọng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình)
Trả lời: Theo điều 5 Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn từ năm 2012- 2015 quy định như sau: Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm phổ biến rộng rãi các văn bản quy định, thực hiện việc cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; lập danh sách đối tượng thụ hưởng và hàng năm rà soát, bổ sung gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và phân công tổ chức, cá nhân thực hiện giúp đỡ, hướng dẫn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn cách sử dụng vốn vay có hiệu quả, xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ ngân hàng chính sách xã hội trong việc giải ngân, theo dõi, kiểm tra quá trình sử dụng vốn và đôn đốc hoàn trả vốn vay; Chỉ đạo ban điều hành Chương trình xóa đói giảm nghèo cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội giám sát việc lập danh sách đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn, đảm bảo dân chủ, công khai, xác nhận danh sách hộ vay vốn, phối hợp với các tổ chức cho vay, tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra việc sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi nợ.

Chính sách hỗ trợ dạy nghề
Hỏi: Tôi được biết các chương trình theo Nghị quyết 30A/1956/QĐ-TTg dự án 120 đều có hỗ trợ dạy nghề cho lao động thuộc huyện nghèo. Trong trường hợp 1 địa bàn triển khai hai chính sách thì lao động được hưởng hỗ trợ theo chính sách nào? (Phùng Văn Quang - Ba Vì, Hà Nội)
Trả lời: Trong trường hợp 1 địa bàn triển khai hai chính sách hỗ trợ dạy nghề thì lao động được quyền lựa chọn chính sách phù hợp có ưu đãi cao nhất để học nghề. Theo quy định, mỗi lao động nông thôn chỉ được hỗ trợ học nghề 1 lần theo chính sách của đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Riêng những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của đề án này nhưng tối đa không quá 3 lần.

Điều kiện học nghề
Hỏi: Gia đình chú tôi rất nghèo nhưng không được xét vào diện hộ nghèo. Hơn nữa, chú tôi cũng không biết chữ nhưng rất thiết tha đi học. Chú tôi băn khoăn chú tôi không biết chữ có thể đăng ký tham gia các lớp dạy nghề nông dân được không? Chú đi học có được hỗ trợ tiền ăn, đi lại ko? (Nguyễn Minh Hoàng - Tân Sơn, Phú Thọ)
Trả lời: Theo thông tư số 112/2010/TTLT- BTC của Bộ Lao động thương binh và xã hội điều kiện người lao động được hỗ trợ học nghề là trong độ tuổi lao động: nữ từ 16-55 tuổi, nam từ 16-60 tuổi có nhu cầu học nghề có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với ngành nghề cần học. Riêng những người không biết đọc, ko biết viết có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề. Như vậy, chú của anh không biết chữ vẫn có thể đăng ký theo học. Thông tư này cũng xác định 4 đối tượng được hỗ trợ học nghề gồm: Lao động thuộc diện gia đình chính sách; hộ nghèo; hộ cận nghèo; người tàn tật; hoặc thuộc diện bị thu hồi đất canh tác.
Nếu chú của anh không thuộc diện hộ nghèo thì  yêu cầu địa phương xác định theo diện cận nghèo (hộ có thu nhập tối đa băng 150% thu nhập của hộ nghèo) thông tư số 27/2007 ngày 30-11-2007 của Bộ LĐ- TB& XH. Nếu thuộc diện này, chú của anh sẽ được hỗ trợ ăn, đi lại theo chính sách quy định cụ thể của từng địa phương.

Tư vấn đầu tư chăn nuôi
Hỏi: Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, tôi rất muốn chăn nuôi để phát triển kinh tế, nhưng nếu nuôi bò hay nuôi lợn thì cần rất nhiều vốn mà gia đình tôi lại không có tiền. Nhờ chương trình tư vấn giúp tôi xem nên nuôi con gì mà vốn đầu tư thấp lợi nhuận cao. (Chị Trần Thị Liên - Bảo Thắng, Lào Cai)
Trả lời: Kinh nghiệm cho thấy ở vùng trung du miền núi phía bắc trong đó có tỉnh Lào Cai, nông dân nuôi trâu bò lấy thịt, lấy giống thì thường có lãi nhiều vì điều kiện khí hậu, sinh thái phù hợp với đại gia súc cũng như là thuận lợi cho người chăn nuôi. Tuy nhiên gia đình chị không có vốn lớn nên việc chăn nuôi này khó có thể thuận lợi được. Để chăn nuôi có hiệu quả và ít vốn, chị có thể chăn nuôi nhiều loại trong đó có giống gà ta, giống gà địa phương theo phương pháp nuôi thả vườn. Giống gà ta có chất lượng thịt ngon, bán thường được giá cao, kỹ thuật chăn nuôi lại không phức tạp. Giống gà ta trong điều kiện nuôi thả vườn lớn nhanh và hạn chế được các loại bệnh, tuy nhiên để nuôi thành công, chị cần chủ động tiêm phòng cho gà theo đúng quy trình của ngành thú y và kế hoạch của địa phương đồng thời chú ý công tác vệ sinh phòng dịch.

Chính sách đối với giáo viên
Hỏi: Xin hỏi giáo viên thường xuyên dạy tại các thôn bản thì được hưởng chế độ gì theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. (Nguyễn Thị Loan - Tuyên Quang).
Trả lời: Theo Đề án này giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề thường xuyên phải xuống thôn, bản, phum, sóc thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn để dạy nghề với thời gian từ 15 ngày trở lên trong tháng được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung như đối với giáo viên thực hiện công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục thường xuyên phải xuống thôn, bản, phum, sóc.
Giáo viên của các cơ sở dạy nghề công lập ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được giải quyết nhà công vụ như đối với giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non đến các cấp học phổ thông.

Quy định về trình độ lao động
Hỏi: Tôi đi xin việc làm, nhiều công ty đưa ra quy định chỉ tuyển những lao động đã qua đào tạo, xin hỏi như thế nào là lao động đã qua đào tạo? (Khán giả Trần Thị Vũ – Quảng Xương, Thanh Hóa)
Trả lời: Lao động qua đào tạo là lao động trong độ tuổi có khả năng lao động ở nông thôn đã được tham gia các khóa đào tạo hoặc là chương trình dạy nghề ngắn hạn, dài hạn, chính quy, không chính quy và được cấp các loại chứng chỉ văn bằng như chứng chỉ học nghề, bằng trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cao đẳng và đại học đang lao động tại địa phương.

Thủy Hòa
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top