Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thanh Hóa: Vẫn còn kiểu “đánh trống ghi tên”

Thứ hai, 07/05/2018 10:07

Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là cứu cánh, tạo cơ hội giải quyết việc làm cho người dân vùng nông thôn và miền núi. Tuy nhiên, tại Thanh Hóa, nhận thức về vai trò của công tác đào tạo nghề của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là người lao động còn hạn chế… dẫn đến thực trạng tổ chức đào tạo cho hết chỉ tiêu, người học thì theo kiểu “đánh trống ghi tên”.

Không sống được với nghề được đào tạo

Anh Lò Văn Tính học viên lớp học trồng nấm ở huyện Mường Lát cho biết: sau khi khóa học kết thúc, hầu như các học viên không tham gia sản xuất trồng nấm, mà chuyển sang đi làm nghề khác. Cá nhân anh cũng đang phải đi làm phụ hồ cho các công trình xây dựng kiếm sống.

Anh Tính cho hay, trường hợp học nghề nhưng không sống bằng nghề như anh không phải là con số ít. Vì vậy, anh mong muốn, các cơ sở đào tạo khi mở lớp dạy nghề cần nghiên cứu kỹ đặc thù điều kiện kinh tế, môi trường sống của địa phương rồi tư vấn, hướng dẫn bà con nên theo học nghề gì để có thể có cơ hội tìm việc làm. Ví dụ như ở những huyện vùng cao như nơi anh đang sinh sống, lớp học nề rất có khả thi, do huyện xa ít lao động chịu lên đây làm, nếu có nghề trong tay, mỗi ngày đi làm, người lao động cũng có thu nhập từ 300-400 ngàn đồng.
 
20180507-m08.jpg
 
Nhiều lớp học nghề trồng nấm không phát huy hiệu quả. (Trong ảnh: tiết học thực hành trồng nấm tại huyện Mường Lát)
 
Còn ở huyện Thường Xuân, trong số nghề đào tạo cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, có lớp học trồng cây cảnh. Có nhiều người theo học, nhưng qua tìm hiểu, cũng không có học viên nào học xong mà cải thiện được cuộc sống từ nghề này. Hàng loạt các lớp dạy nghề khác ở các huyện miền núi như: nghề chóc quại bèo tây xã Thạch Cẩm (Thạch Thành); làm thảm bèo ở Đồng Thịnh (Ngọc Lặc)… cũng chung số phận.

Điều mà nhiều người dân mong đợi là, công tác tư vấn, định hướng nghề của cơ quan chuyên ngành sát với thực tiễn cuộc sống; từ đó chọn đúng nghề, dạy đúng nghề, đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Nhưng trên thực tế, công tác dạy nghề ở các huyện miền núi đang diễn ra tình trạng, chỉ tiêu đào tạo nghề được giao về các địa phương. Các địa phương giao chỉ tiêu về các trung tâm đào tạo nghề, nên có lúc các cơ sở đào tạo phải chạy theo số lượng cho đủ chỉ tiêu, định mức đào tạo, trong khi chất lượng đào tạo, ngành nghề đào tạo còn bỏ ngỏ.

Cần định hướng và đào tạo nghề phù hợp

Ông Phạm Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp- Giáo dục Thường xuyên huyện Mường Lát cho biết: khó khăn lớn nhất hiện nay là, phần lớn người học nghề không thể tự tạo việc làm cho bản thân mình, nếu có sản phẩm làm ra, người dân cũng khó tiếp cận với thị trường đầu ra.

“Hiện nay đào tạo nghề chưa được chính quyền các cấp quan tâm đúng mức, nhất là định hướng nghề. Vẫn còn tình trạng, người lao động chưa nhận thức được việc học nghề, có tâm lý tham gia theo phong trào, học chiếu lệ kiểu “đánh trống ghi tên”, thiếu nghiêm túc trong học tập. Thậm chí có hiện tượng lao động đăng ký học nghề vì nghĩ sẽ có chế độ, nhưng không lâu sau tự ý bỏ, không theo hết khóa học”, ông Chung thẳng thắn nhìn nhận.

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, miền núi luôn là vấn đề quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống cho người dân; Đối với địa bàn miền núi, vùng DTTS còn góp phần quan trọng giảm hệ lụy của việc di dân tự do. Vì vậy, các cấp chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân, nhất là lực lượng lao động trẻ có nhận thức đúng về việc học nghề. Đồng thời, trên cơ sở đặc điểm kinh tế-xã hội từng địa bàn để đa dạng các hình thức, ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của người dân và định hướng phát triển kinh tế của địa phương.
 
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa hiện có 12 cơ Sở Giáo dục-Đào tạo nghề. Năm 2017, đã có 14.459 lao động được đào tạo nghề, trong đó 11,765 lao động sau khi được đào tại nghề đã có việc làm, đạt 81%. Tuy nhiên, qua khảo sát, tìm hiểu của phóng viên tại một số địa phương và học viên, số lao động sau đào tạo sống được với nghề là rất thấp.
 
Quỳnh Trâm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top