Huyện Cao Phong (Hòa Bình): Nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn

Thứ tư, 03/08/2016 11:19

Bám sát đặc điểm của một huyện miền núi, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, qua đó tạo động lực để địa phương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

 
Nhờ được đào tạo nghề, nhiều nông dân huyện Cao Phong đã thành công với việc phát triển cây ăn quả có múi. Ảnh: QĐ.
 
Nỗ lực trao “cần câu”
Thực hiện phương châm “trao cần câu hơn cho con cá”, thời gian vừa qua, huyện Cao Phong đã thường xuyên tập trung vào công tác đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động. Song song với việc chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, ý nghĩa của công tác dạy nghề trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Trung tâm dạy nghề của huyện còn chủ động xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế của người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội; hướng ưu tiên dạy nghề cho người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, các đối tượng chính sách… Thời gian đào tạo nghề được xác định bảo đảm phù hợp với đặc điểm từng nghề, nhóm nghề và điều kiện của người học.
 
Điểm nhấn nổi bật trong quá trình trao “cần câu” cho người lao động nông thôn ở huyện Cao Phong là cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến xã đã đặc biệt chú trọng gắn chương trình dạy nghề với thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956), Cao Phong đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng đa ngành gắn với thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương là trồng cây ăn quả có múi và phát triển chăn nuôi. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Vân - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 1956 huyện Cao Phong chia sẻ: Với hướng phat triển chăn nuôi thủy sản ở khu vực vùng lòng hồ và phát triển trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi gia cầm ở vùng thấp, chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, Cao Phong đã tổ chức trên 100 lớp học nghề cho hàng vạn lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt hơn 84%; đã có khoảng trên 1.000 lao động thoát nghèo sau khi học nghề. Theo thống kê, thu nhập của người lao động nông thôn được đào tạo nghề đã tăng đều theo hàng năm với mức thu nhập từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Những hiệu quả thiết thực, bền vững
 
Thực tế triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Cao Phong thời gian qua cho thấy, trên cơ sở hiệu quả đào tạo nghề, người lao động sẽ có trình độ, nắm chắc kỹ thuật sản xuất và sẽ có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cũng như phát triển hoạt động sản xuất của gia đình.
 
Cùng đại diện Trung tâm dạy nghề huyện Cao Phong, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cam của gia đình nông dân Bùi Văn Bính ở xóm Bưng 1, xã Thu Phong. Vừa nhanh tay cắt tỉa những cành cam thứ phát, ông Bính vừa vui vẻ cho biết: “Trước khi quyết định chuyển đổi sang trồng cam, gia đình tôi cũng lo lắm vì mình vừa không có nhiều vốn, không nắm vững kỹ thuật canh tác lại chưa có kinh nghiệm trong khi chu kỳ sinh trưởng, thu hoạch của cây cam lại khá dài. Cuối năm 2011, sau khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây có múi của Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức, tôi quyết định đầu tư trồng hơn 1.000 gốc cam, trong đó chủ yếu là cam CS1, cam lòng vàng và hơn 200 gốc chanh đào”. Bằng kiến thức thông qua lớp đào tạo nghề và tự học hỏi, năm 2015, vườn cây có múi của gia đình ông Bùi Văn Bính bắt đầu cho thu hoạch với chất lượng sản phẩm khá tốt. Còn hộ ông Hà Văn Thành ở xóm Lãi, xã Tây Phong thì lại tìm hướng phát triển kinh tế từ hoạt động chăn nuôi chim cút sinh sản. Với khoảng 1,7 - 2,0 vạn chim cút mỗi năm, gia đình ông Thành đều có thu nhập thường xuyên từ 150 - 170 triệu đồng/năm. Có thể thấy, tham dự các lớp tập huấn, các khóa đào tạo nghề là cơ hội để hàng nghìn lao động nông thôn như ông Bính, ông Thành được tiếp cận với kỹ thuật, mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tính chung trên phạm vi toàn huyện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã trở thành “chìa khóa” thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển; đồng thời, góp phần tạo việc làm cho khoảng 1.300 lao động/năm; đưa thu nhập bình quân của huyện đạt trên 25 triệu đồng/người/năm (cuối năm 2015); giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,75%/năm, trong giai đoạn 2011 - 2015.
 
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Vân - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 1956 huyện Cao Phong, một vấn đề khó khăn trong nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề chính là vốn, bao gồm cả vốn đầu tư cho công tác đào tạo và vốn để người lao động mở rộng quy mô kinh tế gia đình sau khi được đào tạo nghề. Được biết, nguồn vốn cho lao động vay sau khi học nghề hiện khá eo hẹp và người lao động thường khó tiếp cận với nguồn tín dụng này.
 
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Cao Phong sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các mô hình dạy nghề có hiệu quả, cách làm hay về dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được vay các nguồn tín dụng lãi suất thấp trong đầu tư phát triển sản xuất; khuyến khích công tác xã hội hóa trong thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn./.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top